Tại cuộc tọa đàm “Làm sao để bảo tồn loài voi ở Việt Nam khỏi nguy cơ tuyệt chủng” do tạp chíXưa và naycùng đơn vị liên quan tổ chức, các nhà nghiên cứu đã lên tiếng cảnh báo và kêu gọi tìm hướng đi để bảo tồn loài voi ngày một cạn kiệt tại Việt Nam.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cùng các cộng sự đã tiến hành khảo sát dọc các tỉnh Tây Nguyên, họ đã chứng kiến nhiều số phận thảm thương của voi nhà ở Đắk Lắk.

Kết quả khảo sát cho thấy, từ năm 1985 đến nay, số lượng voi đã giảm đến 9/10. Nếu như năm 1985 là hơn 500 con thì tính đến năm 2011, số lượng đàn voi nhà chỉ là 52 con. Nhưng những con voi này cũng đang nằm trong tình trạng sức khỏe kiệt quệ, bị giết hại bằng cách cách chặt đuôi, cưa ngà, nhổ trộm lông để đem bán.

Các nhà khoa học cho biết, những năm qua voi nhà bị sát hại, có con bị chém tới 217 vết, có con bị giết bởi búa tạ và kích điện. “Đáng lên án hơn là chính chủ voi đi giết con voi của mình và dựng lại hiện trường lên cơ quan chức năng để xin lại xác voi”, nhà báo Doãn Hoàng, người tham gia chương trình, thông báo.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, đối với Việt Nam, voi không chỉ quan trọng ở khía cạnh bảo tồn, nó còn là một phần quan trọng trong tâm thức của người Việt, nó đồng hành với người Việt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nếu để mất đàn voi nhà, chúng ta không chỉ mất con voi mà mất cả một phần ký ức dân tộc. Voi là loài vật không lồ nhất còn sống trên cạn mà loài người có thể nhìn thấy được. Chỉ tiếc khi con người thành gã ‘khổng lồ', với sự ‘nhẫn tâm' đã khiến đàn voi trở nên yếu đuối và trở thành kẻ bị bỏ rơi.

Từ thực trạng trên, ông Dương Trung Quốc cho rằng, cần có hành đồng để bảo tồn, phát triển đàn voi Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Bên cạnh đó, việc thành lập trung tâm bảo tồn voi, đào tạo nguồn nhân lực, con người, tạo hệ sinh thái phù hợp để phát triển việc sinh đẻ của voi nhà, hỗ trợ kinh phí nuôi voi cho chủ voi cái là điều đáng được quan tâm.

Cũng tại buổi tòa đàm, ban tổ chức cũng giới thiệu cuốn sách bưu ảnh: “Những người bạn lớn” (The Giant friend) ghi lại những hình ảnh, lý lịch, đặc điểm, số phận của 51 con voi nhà (trong tổng số 52 con hiện đang sống) tại tỉnh Đắk Lắk, thủ phủ của đàn voi nhà Việt Nam.

Quỳnh Anh (TH)