“Bỏ vàng nhận thau”
Chúng tôi gặp chị khi đang khám, cấp thuốc và chăm sóc sức khỏe miễn phí cho những người cao tuổi ở trạm y tế phường Cái Vồn, thị xã Bình Minh. Giọng nói trầm ấm, nụ cười nhân hậu và những lời dặn dò chu đáo của chị làm ấm lòng từng bệnh nhân trước lúc ra về - Y sĩ Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, trưởng trạm y tế. Chị vui vẻ nói:
- Đợt khám bệnh này, trạm được chị Tư hỗ trợ toàn bộ kinh phí gần 20 triệu đồng tiền thuốc và quà. Bên cạnh đó, chị còn đích thân đến giúp trạm tổ chức và khám bệnh.
Bác sĩ Tư Ngon đã gắn bó với mảnh đất Bình Minh vào những năm 1969, khi vào bộ đội làm quân y. Tình cảm quân dân thắm thiết, tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn trong sự ác liệt của chiến tranh đã khắc họa những kỷ niệm không phai nhạt, mãi lưu luyến trong lòng người lính. Cho nên đến năm 1992, từ thị xã Vĩnh Long (nay là TP Vĩnh Long), chị động viên gia đình chuyển về sinh sống tại thị xã Bình Minh, nơi chị đã coi là quê hương thứ hai trong sâu thẳm tâm hồn. Khi đó, Bình Minh đã dang rộng tay đón chị khi tạo điều kiện cho chị một chỗ vừa để ở, vừa để mở phòng mạch khám, chữa bệnh cho nhân dân. Chị bắt đầu tham gia hoạt động thiện, nguyện là vào khi nào? Tôi hỏi. - Khi chữa bệnh ở đây tôi gặp rất nhiều hoàn cảnh thương tâm, do không có tiền để chữa trị mà bệnh tật ngày càng nặng, không cứu vãn nổi. Chính vì vậy, tôi đã tự tổ chức hoặc tham gia khám chữa bệnh từ thiện trên địa bàn cho bệnh nhân nghèo và học sinh các trường học.
Năm 2005, khi được Đảng ủy, UBND huyện Bình Minh (nay là thị xã Bình Minh) đến đặt vấn đề phụ trách Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo (nay là Hội Bảo trợ Người tàn tật, Trẻ mồ côi, Bệnh nhân nghèo), chị đã vui vẻ nhận lời. Đồng thời, để toàn tâm toàn ý với công việc, chị quyết định bán phòng mạch cho thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng và hài lòng nhận mức hỗ trợ khoảng 300 nghìn/tháng của hội. Còn tiền bán phòng mạch, chị gửi tiết kiệm, lấy lãi hỗ trợ các hoạt động của hội. Cũng từ đây, những bệnh nhân nghèo đã bắt đầu có chỗ dựa cả về tinh thần lẫn vật chất khi phải chống chọi với bệnh tật.
Chắp cánh vượt “cạn” cho bệnh nhân nghèo
“Nâng đỡ và thắp sáng niềm tin yêu cuộc sống” là một trong những phương châm mà chị Tư Ngon đưa ra trong những ngày đầu hoạt động của hội. Vì thế nhiều bệnh nhân nghèo đã thoát khỏi bàn tay của tử thần từ sự giúp đỡ của Hội. Như, em Nguyễn Thanh Hải, ở xã Thuận An, thị xã Bình Minh có hoàn cảnh rất khó khăn. Cha đi biệt tích, mẹ bán hàng rong nuôi Hải. Những tưởng Hải và gia đình phải chịu đầu hàng trước căn bệnh tim bẩm sinh quái ác nhưng nhờ chị Tư Ngon, nay bệnh đã được chữa trị. Hải hiện đang là sinh viên năm thứ nhất khoa Du lịch Trường đại học Tây Đô. Chị Nguyễn Thị Kim Cương, (mẹ của Hải) xúc động kể lại:
- Khi thấy Hải ngày một yếu, không đi lại được tôi đã hết hi vọng vì lấy đâu tiền mà chữa trị cho con. Cuối năm 2005, chị Tư Ngon tìm đến thăm hỏi ngỏ ý giúp đỡ Hải chữa bệnh, tôi chỉ biết khóc cứ ngỡ như đang mơ. Ít lâu sau, chị đến tận nhà báo tin mừng là Hải sẽ được hỗ trợ phẫu thuật tim miễn phí và còn cho tiền để hai mẹ con đi lên bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh để tiến hành phẫu thuật. Nhờ vậy cháu đã được cứu sống. Hơn thế nữa, chị còn vận động hỗ trợ cất nhà tình thương, vận động chính quyền địa phương tạo điều kiện cho tôi có chỗ buôn bán. Hiện giờ cuộc sống đã khấm khá hơn, sắm sửa được tivi, tủ lạnh, xe máy... Tôi luôn khắc ghi ân nghĩa của chị Tư và của Hội Bảo trợ.
Chị Tư Ngon cho biết: - Hải là bệnh nhân tim nghèo đầu tiên được hỗ trợ phẫu thuật. Trường hợp của Hải đã đưa vấn đề hỗ trợ bệnh nhân nghèo phẫu thuật tim thành một trong những hoạt động trung tâm, thiết thực của hội. Tính đến nay, đã có 60 bệnh nhân nghèo được phẫu thuật tim với tổng số tiền khoảng trên 5 tỷ đồng. Riêng năm 2013, hội đã hỗ trợ phẫu thuật tim cho 5 ca và đang thực hiện vận động kinh phí và xin hỗ trợ phẫu thuật cho 3 ca nữa.
Anh Bùi Văn Chín, Trưởng ban Dân vận Thị ủy Bình Minh trao đổi: - Từ ngày chị Tư nhận chức chủ tịch đến nay, hoạt động của Hội rất hiệu quả và nhận được sự ủng hộ rất lớn của các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh. Chính vì vậy, hội đã mở rộng sự giúp đỡ đến các đối tượng khác như người tàn tật, trẻ mồ côi nên và được đổi tên thành Hội bảo trợ Người tàn tật, Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo.
Cũng từ đây, hàng nghìn người đã được giúp đỡ. Trong 2 năm (2012-2013), Hội đã cấp 48 xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật bán vé số, phẫu thuật 24 trẻ bị sứt môi hở hàm ếch, quèo tay chân hay bị bỏng với số tiền gần 220 triệu đồng. Cấp học bổng cho 141 em học sinh với số tiền gần 69 triệu đồng… vận động phẫu thuật mắt do đục thủy tinh thể cho người mù được 407 trường hợp với tổng số tiền 820 triệu đồng…
Anh Bùi Văn Chín, trao đổi thêm: - Chị Tư tuy tuổi đã cao nhưng luôn hết mình với công tác thiện, nguyện của địa phương. Ngoài hoạt động về y tế, chị luôn sẵn lòng tham gia bất cứ việc gì có ích cho xã hội và tâm huyết với phong trào xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ, giúp đỡ những CCB gặp khó khăn trong cuộc sống. Bằng tâm huyết của mình chị đóng góp và đi vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm cùng chung tay góp sức xây dựng được 10 căn nhà đồng đội cho 9 CCB và 1 cựu quân nhân gặp khó khăn về nhà ở với tổng số tiền gần 250 triệu đồng. Hơn thế nữa, hàng năm chị hỗ trợ cho 2 con em CCB nghèo đang học đại học và cao đẳng 2,5 triệu nghìn đồng để mua sách, vở, quần áo; các ngày lễ, tết chị hỗ trợ hội 40 phần quà trị giá trên 10 triệu đồng để đi thăm các CCB tuổi cao, sức yếu hay đang gặp bệnh nặng. Tôi được các anh ở Hội CCB của thị trấn Cái Vồn kể nghe rằng: “Khi đi vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng cầu đường, xây nhà cho CCB… có mạnh thường quân nói: “Nếu cô Ngon đứng ra quản lý và giám sát việc thi công thì tôi mới đồng ý tài trợ”. Nghe nói lúc đầu cô cũng băn khoăn lắm không biết sức khỏe có đảm bảo được không? Nhưng nhớ lời dạy của Bác: “Việc gì có lợi cho dân thì dù là việc nhỏ cũng phải hết sức làm”, cô Ngon đã cùng Hội CCB thiết kế, tính giá vật tư và đứng ra phụ trách làm. Những công trình cầu, đường, nhà ở… đều được các hội viên Hội CCB và các tổ từ thiện đứng ra thi công miễn phí, nhờ vậy mà chất lượng các công trình rất bảo đảm.
Ấm lòng
bữa cơm từ thiện
10h30 phút, chúng tôi cùng chị rời trạm xá để đến bếp ăn từ thiện Bệnh viện đa khoa thị xã Bình Minh. Trên đường đi, chị trò chuyện:
- Từ khi thành lập, hội được giao bếp ăn từ thiện ở bệnh viện để hỗ trợ cơm, cháo cho bệnh nhân nghèo và thân nhân gia đình. Hàng ngày, nhà bếp sẽ nắm số lượng và phát thẻ cho gia đình các bệnh nhân nghèo căn cứ vào sổ đăng ký khám, chữa bệnh ở bệnh viện. Đến trưa và tối, họ cầm thẻ đến nhận phần ăn.
Trong nhà bếp sạch sẽ, tất cả đã được chuẩn bị xong. Chúng tôi được biết, mỗi bữa nhà bếp đều phục vụ 3 món: cơm, rau (luộc, xào), đồ chay kho. Sau khi kiểm tra chất lượng bữa ăn, chị Tư Ngon cùng với những người phụ trách bếp (thành viên của hội) tất bật múc cơm, lấy rau và đồ kho vào cà mền (cặp lồng) của thân nhân bệnh nhân nghèo chuyển đến. Chỉ trong buổi trưa, bếp đã phục vụ gần 400 phần cơm. Chị Tư vui vẻ nói: - Các sản phẩm ở đây đều được "mạnh thường quân" hỗ trợ. Rau, củ, quả tươi được tiếp phẩm hàng ngày, riêng gạo thì được lưu trữ cẩn thận trong kho của bếp có ghi chép sổ sách cẩn thận. Các “cán bộ” làm ở bếp đều là người thiện, nguyện vì không có lương, chỉ nhận ba bữa cơm hàng ngày thôi.
Chia tay chị và bếp ăn từ thiện, chúng tôi nhớ mãi những ánh mắt hạnh phúc của thân nhân bệnh nhân nghèo khi nhận những phần cơm nóng hổi tại Bếp ăn từ thiện Bệnh viện đa khoa thị xã Bình Minh. Bằng tấm lòng “từ mẫu”, CCB, Bác sĩ Tư Ngon đã góp phần làm tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ vì nước, vì dân.
Bài và ảnh: VIỆT HÀ - QUANG ĐỨC