Năm 2018: Thạch Thất quyết tâm đạt chuẩn Nông thôn mới
Ông Trần Đức Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất thông báo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2017 trên địa bàn. Theo đó, trong năm 2017, tổng giá trị sản xuất kinh tế toàn huyện Thạch Thất đạt 16.518.270 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch và tăng 14,8% so với năm 2016. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn với 68,2%. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 604.278,9 triệu đồng bằng 301% dự toán được giao. Về kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến hết năm 2016 toàn huyện có 15/22 xã đạt chuẩn, năm 2017 thêm 6 xã đạt chuẩn NTM. Qua 7 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong huyện được nâng lên rõ rệt, hạ tầng kỹ thuật - kinh tế, hạ tầng xã hội được đầu tư quan tâm đã làm cho bộ mặt nông thôn ngày 1 đổi mới, khang trang hơn. Thu nhập của người dân năm 2017 đạt 52 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,18%, người dân tham gia BHYT đạt 85%, an ninh trật tự được đảm bảo. Trong năm 2018, toàn huyện phấn đấu tổng giá trị sản xuất tăng 14,5% so với năm 2017, trong đó Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp vẫn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn, được ưu tiên phát triển, đồng thời Thạch Thất được công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
Về Dự án xây dựng đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu- Voi Phục
Cũng tại buổi giao ban báo chí, ông Vũ Hà - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã báo cáo về kế hoạch triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục. Tuyến đường vành đai 1 từ đê Nguyễn Khoái đến Cầu Giấy là đường trục chính đô thị nằm trên trục Đông - Tây thuộc khu vực trung tâm Thành phố với định hướng cải tạo, mở rộng kết hợp với xây dựng mới các trục chính đô thị, giải tỏa ùn tắc giao thông của khu vực trung tâm thành phố.
Dự án này đã 3 lần được điều chỉnh kể khi UBND Thành phố đã có quyết định về việc cho phép chuẩn bị đầu tư dự án đường vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Voi Phục từ 1999, nhưng do thiếu vốn, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu đã được thực hiện trước và hoàn thành năm 2013. Ngay trong năm này, chủ đầu tư đã trình UBND Thành phố phê duyệt đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục. Tuy nhiên, một lần nữa, do thiếu vốn, UBND Thành phố chỉ đạo trước mắt đầu tư đoạn từ Hoàng Cầu đến nút giao Giảng Võ - Láng Hạ chứ không làm toàn tuyến. Cũng theo Phó Giám đốc Sở GTVT, đã hoàn thiện dự án đoạn từ Hoàng Cầu đến nút giao Giảng Võ - Láng Hạ trình thẩm định tháng 7-2014. Sau khi làm đủ các trình tự, ngày 27-12-2017, Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án (do đây là dự án nhóm A, thuộc thẩm quyền của Thủ tướng) với tổng vốn đầu tư hơn 7.780 tỷ đồng, trong đó, riêng chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là hơn 6.000 tỷ đồng. Phạm vi thực hiện kéo dài từ Quận Đống Đa (phường Ô Chợ Dừa, Cát Linh, Láng Hạ, Láng Thượng), Quận Ba Đình (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh), chiều dài tuyến khoảng 2,274 km. Phạm vi chiếm đất của dự án là khoảng hơn 159 km2, với 2.328 hộ thuộc diện giải phóng mặt bằng.
Trả lời câu hỏi về việc liệu có đảm bảo tiến độ nếu việc GPMB phụ thuộc vào việc lấy ý kiến người dân, Giám đốc Ban QLDA Nguyễn Sĩ Bảo cho biết, đoạn đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu phải chia ra làm 3 dự án và dự án nào cũng phải thực hiện trên 3 năm. Để đảm bảo nhu cầu tái định cư khoảng 2.239 căn, Sở Xây dựng đã bố trí từ 5 dự án. Ban quản lý dự án đã thống nhất với Sở Xây dựng, quý 1 cần 300 căn tái định cư để làm cầu vượt trước. "Dự án sẽ ưu tiên cho việc người dân nhận tiền thay nhà theo sát giá thị trường để người dân thấy thỏa đáng". Về phần mở rộng hiện nay đang bị người dân phản đối nhưng trước đó báo cáo đoàn Giám sát của Quốc hội, Ban quản lý dự án cho biết người dân đã đồng thuận, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết, trong năm 2017 chỉ giới con đường này mới xuất hiện nhưng phần mở rộng đã có trong quy hoạch trước đó. "Khi thực hiện dự án vào tháng 5-2017 thì chỉ giới con đường đã có phần mở rộng. Sau đó đã công bố chỉ giới và nhận được sự đồng thuận. Trên cơ sở đó, Ban quản lý có cắm mốc giới của cả tuyến đường, phần lớn người dân đồng thuận. Ban quản lý đã tiến hành bàn giao mốc giới vào ngày 26-5-2017. Việc phản đối của người dân là sau này, sau cả thời điểm bàn giao mốc giới là 26-5-2017 và công bố quy hoạch. "Thời gian tới chúng tôi sẽ cùng Sở Quy hoạch Kiến trúc đối thoại với người dân để tạo nên sự đồng thuận khi trình Thành phố". Trao đổi với các phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Giáp - Phó chủ tịch UBND Quận Đống Đa- một trrong những đơn vị có dự án nằm trên địa bàn chia sẻ: "Tiệm cận được đến mong muốn thực sự của các hộ dân là rất khó khăn. Đảm bảo lợi ích chung, không có lợi ích cá nhân nào ở đây. Nhưng nếu không mở rộng được đường thì Hà Nội sẽ không giải được bài toán giao thông".
QUỐC HUY