
Dạo ấy, mặt trận Điện Biên sắp mở, có 11 cô gái từ địch hậu ra, bổ sung về đoàn dân công phục vụ chiến dịch. Ở đây được vài tuần, các cô bỗng nhiên cắt cụt ống quần lên trên đầu gối và cắt ống tay áo đến gần nách, để lộ bắp chân, bắp tay mũm mĩm, trắng ngà, gây nên phản ứng trong cả đoàn, mà gay gắt nhất là chính trị viên Quách. Anh cau có: "Chắc là cái cô tổ trưởng có đôi mắt lúng liếng đầu têu đây. Họ sống ở vùng "tề" quen thói mồi chài mà. Không khéo thì "vác bụng" chứ không phải dân công vác gạo, vác đạn…". Cô gái có đôi mắt lúng liếng mà Quách nói, có tên Chích Chích! Mười một cô ở tổ này thì Chích là người tháo vát nhanh nhẹn hơn cả. Cô không đẹp lắm, nhưng lại có duyên và đặc biệt là đôi mắt đen láy biết cười mỗi khi nói. Trong công việc, Chích hay có sáng kiến, nhiều khi đi trước cả ý định của chính trị viên Quách. Có lần đoàn vận chuyển đi qua dốc đá tai mèo, nhiều người không có dép, chân sưng vù. Chích rủ một số chị em bóc vỏ sồi ngâm nước bó vào chân, hết sưng ngay. Quý về tinh thần công tác thì vẫn quý đấy, nhưng Quách vẫn bàn với Ban chỉ huy đoàn gọi 11 cô gái lên kiểm điểm. Nhìn thấy các cô, tôi không nín được cười. Quần cô nào cũng cộc trên đầu gối, ống rộng thùng thình, trông như kiểu soóc lửng ngày nay. Những cô cao gầy thì cứ như mặc váy cộc. Quách chỉ cho các cô ngồi vào một góc, rồi với giọng nghiêm nghị:
- Hôm nay, Ban chỉ huy gọi các cô lên để cảnh cáo về cái kiểu cách ăn mặc lố lăng này.
Chích như không chịu nổi lời phê phán của Quách, cô đứng bật dậy:
- Các anh hiểu lầm chúng em rồi!... Chúng em chẳng mồi chài mây gió ai ở đây cả!... Việc này do em bày ra. Đề nghị Ban chỉ huy cứ kỷ luật, em nhận hết. Chị em trong tổ chẳng ai có khuyết điểm gì cả!...
Nói xong, Chích chạy vụt ra ngoài. Mười cô gái ngơ ngác nhìn nhau, rồi cũng chạy theo Chích. Quách như bị đổ lửa thêm dầu, tức tối:
- Đấy, các đồng chí xem, họ thách đố ta đấy! Tôi đề nghị phải đưa cô bé lúng liếng ấy ra kỷ luật để làm gương.
Chính trị viên Quách có ưu điểm làm việc gì cũng rất kiên quyết, tổ chức hành động chặt chẽ, nhưng phải cái nóng nảy, cứng nhắc, nên chị em mến song khó gần. Bữa ăn hôm đó hai mâm cơm của mười cô gái không ai tới ăn. Tôi với Vinh xuống lán nghỉ của các cô, không thấy cô nào, liền đi xuống suối. Đến gần bờ thì Chích nấp ở một bụi ven đường xuất hiện:
-
Đề nghị anh đừng xuống, chúng nó đang tắm.
-
Tại sao đến bữa ăn rồi còn rủ nhau đi tắm? - Tôi nhẹ nhàng hỏi.
-
Thưa chỉ huy, để khỏi mang tiếng là "mồi chài mây gió" ạ! - Chích dằn giọng bốn tiếng "mồi chài mây gió", hai hàng nước mắt lăn trên gò má. Một cô gái vọng từ suối lên:
-
Chị Chích ơi xuống bơi đi, chúng em bôi xong cả rồi, để em lên em canh cho…
Dứt tiếng, cô gái vừa nói đã ở trước mặt. Tôi cố để khỏi bật ra tiếng cười khi nhìn thấy hai chân cô từ đầu gối trở xuống bôi đen sì, nham nhở. Tôi vội bắt chuyện:
-
Cô bôi cái gì vào chân mà trông như ghẻ tàu thế kia?
-
Dạ ! Chị Chích bảo chúng em cạo nhọ nồi hòa với mỡ bôi vào chân cho nó khỏi trắng để các anh khỏi phê bình. Chị ấy còn bảo kinh nghiệm của đồng bào bôi thế này, lội nước vẫn giữ được, lại còn chống được cả đỉa và vắt rừng nữa - Tôi hỏi tiếp:
-
Vì sao các cô lại đi cắt cụt cả ống quần, ống tay áo đi vậy?
Cô gái cúi mặt xuống giây lát, rồi ngửng lên nước mắt rưng rưng:
- Chúng em ở nhà đi, mỗi đứa chỉ mang có hai bộ quần áo, mới có mấy tuần vác gạo, vác đạn, quần áo rách cả, mà cũng chẳng có vải để vá. Nhiều chị nằm ngủ phải cuốn nilông vào người vì sợ mặc ngủ nó rách thêm. Chị Chích khuyên chúng em cắt đi ống quần và ống tay áo để lấy mụn vá chỗ rách, không ngờ...
Cô gái oà khóc thành tiếng, nghe vậy tôi không kìm nổi xúc động, nước mắt ứa ra… Tôi không biết nói gì với cô lúc này. An ủi một nỗi đau mà lại do mình gây ra thì mọi lời lẽ chỉ là sáo rỗng! Ôi, Quách và cả tôi thật là đáng trách…
Chiều hôm ấy trong cuộc họp Ban chỉ huy, tôi tự phê bình sự thiếu sâu sát của mình và thái độ khô cứng một chiều của Quách. Đến bữa cơm, hai chúng tôi đến ngồi cùng mâm với mười một cô gái. Việc này đã làm cho cả đoàn dân công cùng vui hẳn lên. Các cô trong tổ hình như cũng quên hết mọi chuyện đã xảy ra và người vui nhất vẫn là Chích. Các cô lúc này quần đều chít gọn sát đầu gối, chỉ như vén lên, trông lại rất khoẻ mạnh. Tôi nhận xét thế, cô Chích cười:
- Chích bị anh Quách phê bình, em mới bảo chúng nó làm như thế này. Em chỉ không thích cái lối phê bình kiểu bắt nạt của anh ấy thôi!...
Một thời gian sau, Đại đoàn chuẩn bị đánh trận đầu, tôi từ biệt đoàn dân công trở về đơn vị, riêng Quách vẫn ở lại làm chính trị viên. Bẵng đi mấy chục năm, không ngờ gần đây tôi được gặp lại Quách nhân một dịp kỷ niệm ngày truyền thống của Đại đoàn. Con người anh vẫn khắc khổ lại cộng thêm đầu bạc, nên bắt tay nhau hồi lâu mới nhận ra nhau. Tôi hỏi thăm về cái cô mà anh gọi là "lúng liếng". Anh cười thật tươi:
-
Chích, Chích đã có cháu nội, cháu ngoại cả rồi…
-
Chích lấy ai? Bây giờ ở đâu?
-
Lấy mình, ở thị xã Phủ Lý đây thôi…
Tôi há hốc mồm, rồi bỗng nhiên phá lên cười, ôm lấy anh:
- Ôi, "lúng liếng", thật là "lúng liếng"!...
(Theo chuyện kể của Hoàng Hà)
VÂN HƯƠNG