***BCCBVN- Tại bảo tàng Quân khu 4 (Tp Vinh, Nghệ An), có một gian nhà thiêng đang lưu giữ và trưng bày các di vật được tìm thấy trong các cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. Từ những dấu vết, ký hiệu mơ hồ trên đó, đã có nhiều liệt sỹ được trả lại tên tuổi, trở về với người thân, quê hương bản quán. Thế nhưng, vẫn còn nhiều lắm các di vật câm lặng không chịu lên tiếng, để các anh vẫn phải “khuyết danh” chưa về được với gia đình.***Phòng thiêng chờ gọi anh về.
Tôi nhẹ bước chân theo nữ cán bộ bảo tàng vào căn phòng trưng bày di vật liệt sỹ. Dù tiết trời đang nắng tháng năm, nhưng căn phòng vẫn ngào ngạt khói hương. Xung quanh bốn bề là những di vật được trưng bày, sắp xếp theo thứ tự. Tôi nghe đâu đây vong hồn các Liệt sỹ còn lẩn quất, và mong ngóng được trở về bên cạnh người thân. “Có hơn 2.000 di vật được trưng bày tại đây, với mong muốn thông qua các đồng đội năm xưa còn sống trên mọi miền đất nước, chúng tôi sẽ kết nối, giải mã tìm ra những thông tin quý báu liên quan đến các liệt sỹ trên các di vật này” lời người giới thiệu nhẹ như gió thoảng. Những di vật vốn là đồ dùng tư trang, quân trang, gắn liền với cuộc sống chiến trận của liệt sỹ được trưng bày phía bên phải căn phòng. Kia là đôi dép cao su, đã vẹt mòn nằm cùng người lính trên một dốc núi. Một mảnh nhựa đen được tỉ mẩn gọt khắc thành mặt dây chuyền khắc chữ “Bùi Văn Biên (không có dấu)- Cồn Tiên, Quảng Trị 26-3-1975” tìm thấy cùng hài cốt liệt sỹ trong khu vườn của một gia đình tại Bình Điền, Phong Điền, Thừa Thiên- Huế. Những cuốn sách úa màu, những chiếc bút hiệu Hồng Hà, Ba Vì, Trường Sơn. Bật lửa hay những chiếc lược làm bằng mảnh nhôm máy bay… Tất cả được xếp dãy nằm bên nhau, câm lặng. Trong số những di vật “câm” đó, tôi đặc biệt chú ý đến chiếc cối giã trầu, được làm từ vỏ đạn pháo cao xạ 37 ly. Ai cũng nghẹn lòng khi thấy Cối làm chưa xong, còn thiếu một nét uốn cong mới có thể hoàn thiện chờ ngày hòa bình về tặng bà, tặng mẹ. Phía bên cạnh là hai đôi dép cao su nhỏ, chỉ có thể dành cho trẻ em. Đây là di vật được tìm thấy trong hài cốt của một liệt sỹ, được quy tập trong cánh rừng xa lắc trên đất bạn Lào. Có lẽ trong những phút nghỉ ngơi sau chiến trận, người cha này luôn nghĩ về đứa con trai ở phía quê nhà, mà có thể anh chưa một lần biết mặt... Thế mà các anh đã ngã xuống khi giấc mơ về món quà nhỏ tặng mẹ, đôi dép cho con còn dang dở… Tiếc thay, những di vật cảm động này, lại không cho biết thêm về thông tin người đã nằm xuống. Giá như trên chiếc cối giã trầu dành tặng mẹ, hay đôi dép cao su nhỏ cho con trai có thêm thôn tin về quê hương bản quán, thì chắc chắn các anh sẽ được đưa về bên cạnh người thương… Thế nhưng vẫn chỉ là sự câm lặng..
bia liệt sỹ bằng đáy thùng lương khô. , đôi dép cho con chiếc bi đông dy vật.
Ngoài những di vật là vật dụng thường ngày đi theo Liệt sỹ, cũng có rất nhiều những di vật được đồng đội tạo dựng khi người lính đã hy sinh. Những di vật này là những tấm bia khắc vội, hay những tấm sắt đục tên tuổi và thông tin. Những tấm bia được làm đa dạng, tùy thuộc địa chất, địa vật...nơi liệt sỹ nằm lại. Nơi cao nguyên, hay lưng chừng núi đá, bia mộ anh được đồng đội khắc tạc bằng dao găm hoặc lưỡi lê trên một phiến đá. Sát bên sông suối, bia một của anh là viên đá cuội lớn. Có “bia mộ” chỉ giản đơn là một tờ giấy polime, mỏng manh ghi lại chút thông tin về người nằm xuống, được bỏ trong một lọ penicilin nhỏ bé... Mỗi bia mộ kể về đời sống, cuộc chiến của một hay nhiều người lính (vì có những tấm bia đặt trên nấm mộ chung của rất nhiều người). Không hiếm những tấm bia mộ được khắc bằng tiếng Lào. Đứng bên một tấm bia mộ có hình thù khá đặc biệt bằng xi măng, viết chữ Lào, người hướng dẫn viên bảo tàng cho hay: “Đó là bia mộ của liệt sỹ Vi Văn Đức, được tìm thấy giữa bạt ngàn ngôi mộ ở nghĩa trang của người dân Na Leng, Mường Ẹt, Hủa Phăn, Lào. Sở dĩ biết rõ tên anh là vì người dân Lào khi chôn cất anh, họ đã khắc bia bằng tiếng Lào để che mắt kẻ địch. Còn phía sau ngôi mộ, bà con bí mật đề tên anh bằng tiếng Việt Nam”. Kia là tấm bia được làm bằng đá xanh, gọt đẽo vuông vức nhưng chỉ duy nhất mang dòng chữ “B10”. Câu hỏi B10 là ký hiệu gì, về ai? đến nay vẫn chưa giải mã được. Người ta chỉ đoán khi liệt sỹ này hy sinh, nhằm giữ bí mật cho hàng quân nên đồng đội không thể ghi tên anh được. Thế nên đến tận bây giờ, tên tuổi và quê hương anh vẫn nằm trong bí mật, với dòng chữ trên bia mộ: “vô danh”.Có hàng trăm tấm bia khác được khắc giản đơn, chỉ ký hiệu tên của liệt sỹ hay đơn vị, hay chỉ là ngày hy sinh, có bia được đúc chữ ngược, nếu đọc được phải nhìn qua một thấu kính, có mộ khi tìm thấy đằng sau tấm bia còn có một quả mìn đề phòng sự xâm phạm của biệt kích... Hay tấm bia của liệt sỹ có bí số 31202 (sau này xác minh được là liệt sỹ Đậu Sỹ Hùng) kể trên, được tìm thấy bên cạnh 26 ngôi ngôi mộ khác của đồng đội không một dòng thông tin...
****Khi Di vật lên tiếng.****Chính vì sự vội vã, khẩn trương thiếu thốn của chiến trường, nên di vật chứa đựng thông tin cần thiết quá ít ỏi. Vì thế nên đến nay, mới chỉ có 400 trong số 2000 di vật nơi đây lên tiếng, trả lại tên tuổi cho các anh. Thế mà để có được con số đó, đã tốn không ít công sức để chắp nối, giải mã thông tin mới buộc được những di vật liệt sỹ “lên tiếng”.Đại úy Nguyễn Thị Thu Hương nói: “ Hài cốt đầu tiên được xác định họ tên, quê Quán trở về với gia đình thông qua di vật là liệt sỹ Bùi Danh Hương, quê quán ở tỉnh Hưng Yên”.Tháng 11 - 1999, thông qua sự chỉ dẫn của người dân Lào, đội Quy tập của bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình, đã tìm thấy một ngôi mộ Liệt sỹ tại huyện Hin Bun, tỉnh Khăm Muộn (Lào). Những người dân bản Lào cho biết ngôi mộ này được chôn cất năm 1969. Người nằm dưới mộ là bộ đội Việt Nam, tên là Hương. Ngoài ra không còn thông tin nào khác. Sau khi cất bốc phần mộ liệt sỹ, đội quy tập phát hiện nằm cùng hài cốt là một tấm gương soi. Phía sau tấm gương soi có hình một bà mẹ khoảng 45 tuổi, đầu chít khăn vấn kiểu phụ nữ miền bắc. Tuy thời gian đã lâu, nhưng bức ảnh vẫn còn rõ nét. Sau đó đội quy tập đưa hài cốt liệt sỹ về Nghĩa trang Ba Dốc tỉnh Quảng Bình, cùng với 82 bộ hài cốt liệt sỹ khác.Nghe tin, Trung tá Nguyễn Thị Tiến (lúc đó đang công tác tại bảo tàng Quân khu 4, nay đã nghỉ hưu) tức tốc lên đường vào Quảng Bình. Sau khi nhìn thấy chiếc gương di vật, chị xin phép được đưa bức ảnh người mẹ liệt sỹ về, với mong muốn tìm gia đình cho liệt sỹ. Thế nhưng, một chiến sỹ trẻ trong đội quy tập nói: “đồng chí ấy đã hy sinh, hành trang không có gì ngoài bức ảnh của mẹ. Xin chị đừng bắt anh ấy phải rời xa di vật duy nhất này”. Quá xúc động với tình cảm của những người chiến sỹ dành cho đồng đội, Trung tá Nguyễn Thị Tiến đã hứa rằng: “tôi sẽ tìm và đưa đồng chí ấy về với gia đình…”. Sau khi Scan, phục hồi lại bức ảnh gần như nguyên trạng, cán bộ bảo tàng Quân khu 4 đã đăng tải thông tin về bức ảnh mẹ liệt sỹ lên các phương tiện thông tin đại chúng. Rồi tháng 10 năm 2000, có một cuộc điện thoại từ xã Châu Yên, huyện Thanh Long, tỉnh Hưng Yên gọi đến Bảo tàng Quân khu 4…Lại một lần nữa, Trung tá Nguyễn Thị Tiến lại lên đường. Người trong ảnh được xác định là bà Dương Thị Diệp, 94 tuổi hiện đang sống tại quê nhà. Mẹ có con trai là Liệt sỹ Bùi Danh Hương, hy sinh năm 1969 đến nay vẫn chưa biết phần mộ nơi nào. Bao năm qua mẹ vẫn ngày đêm mòn mỏi, mong ngóng con trai trở về…Dù đã lú lẫn vì tuổi cao, nhưng khi đoàn xác minh đến mẹ Diệp cất tiếng hỏi: “các con đến để trả con trai về cho mẹ phải không?” cả đoàn công tác không ai cầm được nước mắt trước tình cảm thiêng liêng của người mẹ..Rồi ngôi mộ có tên “vô danh” đã được các cơ quan chức năng, làm lễ đổi tên thành: “Liệt sỹ Bùi Danh Hương” trước sự chứng kiến của gia đình. Vậy là từ bức ảnh dy vật, một Liệt sỹ đã được trả lại tên về với gia đình. Cũng từ đội quy tập liệt sỹ, ngày 18-4-2000 tại nghĩa trang quốc tế Việt- Lào (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An). Bộ CHQS tỉnh Nghệ An nhận bàn giao 148 bộ hài cốt liệt sỹ, trong đó có đến 141 hài cốt không có tên tuổi và quê quán. Cán bộ bảo tàng Quân khu 4 đã khảo sát kỹ từng phần mộ, và lưu giữ được 50 di vật nằm cùng hài cốt. Đó là những mảnh kim loại hình chữ nhật cỡ 5cm x 8cm khắc họ tên, nhưng không có quê quán và đơn vị. Trong số di vật đó, có một mảnh sắt khắc tên: Lương Hồng Canh. Các cán bộ sưu tầm nhận thấy 50 di vật này có nhiều sự giống nhau về kích cỡ, nét chữ, hình dáng và chất liệu. Tất cả đều nhận đinh: các di vật này đều do một người làm, và các liệt sỹ đã hy sinh có thể cùng một đơn vị chiến đấu. Một ngày, cán bộ Bảo tàng Quân khu 4 phát hiện trong mục “nhắn tìm đồng đội” trên báo Quân đội Nhân dân, có một thân nhân nhắn tìm Liệt sỹ Lê Hồng Canh, quê quán Mai Châu, Hòa Bình. Từ mục “nhắn tìm đồng đội” này, sự liên hệ giữa các cán bộ sưu tầm của Bảo tàng Quân khu 4 với thân nhân Liệt sỹ được kết nối. Bằng các phương pháp giám định khoa học, tổ công tác đã xác định: Liệt sỹ Lê Hồng Canh, quê quán Nà Phỏn, Mai Châu, Hòa Bình. Đơn vị: C5, D2, E165, F312. Từ thông tin đơn vị chiến đấu của Liệt sỹ Canh, tổ công tác tìm kiếm Liệt sỹ, tiếp tục tìm đến đơn vị F312 để xác minh về các liệt sỹ còn lại. Tại đây, qua hồ sơ lưu trữ và áp dụng các phương pháp giám định khoa học, tổ công tác đã xác định chính xác lần được tên tuổi, quê quán của 27 liệt sỹ của đơn vị F312, đã hy sinh cùng ngày với liệt sỹ Lê Hồng Canh năm đó.
****Đồng đội ơi, hãy lên tiếng.****Trong Nhà tưởng niệm và trưng bày các di vật liệt sỹ (Bảo tàng Quân khu 4), qua thời gian sưu tập, hiện số di vật lên tới hơn 2.000 được tìm thấy. Đã có rất nhiều liệt sỹ được trả lại tên, trở về với gia đình từ những thông tin quý báu được để lại trên di vật. Thế nhưng, vẫn còn lại hơn 1.600 di vật chưa chịu lên tiếng. Dù đã có nhiều cố gắng, nhưng không thể nào giải mã, hoặc khớp nối được thông tin để tìm được quê quán, người thân cho liệt sỹ. Hàng ngày, những di vật hiện hữu ở đây dường như chỉ mang những lời nhắn nhủ về nỗi nhớ nhà, về niềm thương mẹ, thương cha. Nhắn nhủ về một tình yêu còn cháy bỏng trong ngực, về khát vọng hòa bình, về giấc mơ ngày thống nhất. Đồng đội ơi, các anh là ai? Người thân là ai? Quê ở đâu? Sao các anh cứ im lặng mãi thế để chúng tôi đau lòng.Thủ trưởng ơi. Đồng đội ơi. Nhân dân ơi. Kể cả những người từng ở phía bên kia chiến tuyến ơi. Ai biết, hãy bớt chút thời gian về gian nhà thiêng này, biết đâu lại kết nối được, giúp các liệt sĩ lên tiếng./.
Bài và ảnh: THẾ SƠN