Ngày 22/3 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phối hợp tổ chức Hội thảo “Tăng trưởng và giảm nghèo hậu khủng hoảng tại các nước đang phát triển”.

Tham dự Hội thảo có 140 đại biểu đến từ 16 quốc gia, bao gồm các Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc, các Phó thống đốc Ngân hàng TW; lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế, tài chính song phương; các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia kinh tế uy tín...

Hội nghị tập trung vào 2 chủ đề chính. Chủ đề 1: “Phục hồi từ khủng hoảng toàn cầu”, bàn về việc thoát khỏi khủng hoảng, chia sẻ kinh nghiệm của châu Á trong quản lý kinh tế, tài chính; các chính sách chủ đạo trong bối cảnh nền kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng; vai trò của các tổ chức tài chính quốc tế và cộng đồng các nhà tài trợ trong việc hỗ trợ các quốc gia phát triển, đối phó với các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng. Chủ đề 2: “Đạt được vị thế thị trường mới nổi”, tập trung vào cách thức tăng trưởng và giảm nghèo tốt nhất của các nước châu Á. Hội nghị đặc biệt quan tâm tới chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong khủng hoảng.

Khủng khoảng xảy ra, các nước đang phát triển chịu tác động mạnh thông qua các kênh như thương mại, hoạt động kiều hối, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vốn viện trợ. Năm 2009, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giảm 20% so với năm 2008, đặc biệt giảm mạnh tại châu Á và châu Mỹ Latin. Người nghèo là nhóm đối tượng bị tác động mạnh mẽ nhất trên nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó việc làm và thu nhập giảm mạnh, đặc biệt tại các quốc gia xuất khẩu hàng hoá lâm sản, nông nghiệp

Tại châu Á, khủng hoảng đã đẩy 14 triệu người vào cảnh nghèo khổ, trong đó đa số tới từ các nước đang phát triển. Tuy nhiên, các nước châu Á nhanh chóng vượt qua khủng hoảng bằng những phản ứng chính sách kinh tế vĩ mô nhanh chóng, quyết liệt.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu rõ: Năm 2009, trong khi tăng trưởng kinh tế thế giới chỉ đạt 1%, thì con số này của châu Á là 4,5%; đáng chú ý, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam có đà tăng trưởng rất ấn tượng. Chính vì vậy, châu Á là “đầu tầu” trên con đường vượt qua khủng hoảng và tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Năm 2010, dự kiến khu vực tăng trưởng 7% so với mức 4% của thế giới.

Đại diện cho một trong những đối tác lớn với các quốc gia châu Á, ông John Lipsky, Phó Tổng giám đốc thứ nhất IMF cũng đồng quan điểm, khi đánh giá châu Á là khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, có sức bật mạnh mẽ cũng như nền tảng nội tại vững chắc. Khi khủng hoảng xảy ra, châu Á đã có có những chính sách đối phó tích cực và chủ động hơn so với thời kỳ 1997, 1998. Các chính phủ châu Á đã thực hiện các gói kích cầu hiệu quả, chính sách tài chính linh hoạt, đặc biệt là sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc đã có tác động tích cực tới khu vực. Số lượng người nghèo của châu Á đã giảm còn 500 triệu người, so với 1 tỷ những năm 1990.

Theo đánh giá của ông John Lipsky, một trong những yếu tố khiến châu Á duy trì mức tăng trưởng là công cuộc hội nhập kinh tế khu vực, theo đó, thương mại khu vực không ngừng tăng, thể hiện tính chuyên nghiệp hoá; kinh tế vĩ mô ổn định. Mặc dù vậy, những nước châu Á đang phát triển vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức mới do tác động của cuộc khủng hoảng: Cầu thế giới giảm; sức ép đối với ngân sách gia tăng; tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo tăng lên do tác động tăng giá lương thực và biến đổi khí hậu, đặc biệt tại các nước Đông và Nam Á.

Ông Somchai Jitsucon, Giám đốc Nghiên cứu Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan đã đưa ra 4 thách thức chính sách ngắn hạn với các nước châu Á thu nhập thấp, bao gồm: Giải quyết nợ Chính phủ; quản lý các dòng vốn; đầu tư và thương mại trong nước và trong khu vực và giải quyết vấn đề nghèo khổ và bất bình đẳng.

Bên cạnh đó, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Tổ chức Oxfam Anh cũng nêu những dẫn chứng tác động về giới từ khủng hoảng kinh tế, theo đó phụ nữ và vấn đề tuổi tác, lao động phi chính thức, hộ gia đình nông thôn là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Các đại biểu cho rằng, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, các nhà hoạch định chính sách châu Á cần nhanh chóng xác định mô hình và giải pháp khắc phục kinh tế xã hội phù hợp với tình hình mới. Trong đó chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô; đổi mới cơ cấu kinh tế; đầu tư vào cơ sở hạ tầng - đặc biệt là năng lượng, vận tải, y tế; đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt hướng tới đối tượng nghèo; đẩy mạnh đầu tư tư nhân và tranh thủ nguồn vốn viện trợ từ bên ngoài.

Các thành viên Diễn đàn cũng chia sẻ kinh nghiệm trong đối phó với khủng hoảng. Với Việt Nam, ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng, Việt Nam đã đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tương đối thành công. Đầu năm 2009, hoạt động kinh tế suy giảm mạnh, tuy nhiên nền kinh tế đã phục hồi tích cực trong những quý tiếp sau đó. Dưới sự hỗ trợ của các chương trình kích cầu mạnh mẽ, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng thấp, Việt Nam là một trong những nước đạt tăng trưởng dương. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng năm 2009 tăng ở mức thấp 6,52%. Xuất khẩu những tháng cuối năm cải thiện rõ rệt, đạt 57 tỷ USD. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài 2009 tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, đạt 21,5 tỷ USD. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2009 giảm xuống 12%, phấn đấu giảm 10% trong năm 2010.

Ông Ch.Khashchuluun, Chủ tịch Uỷ ban Đổi mới và Phát triển quốc gia Mông Cổ chia cũng sẻ những bài học mà Chính phủ Mông Cổ đã tiến hành thời khủng hoảng như: Cắt giảm chi ngân sách; giảm thâm hụt ngân sách; Tăng lãi suất chính sách của Ngân hàng Trung ương; Ngừng hỗ trợ tỉ giá hối đoái bằng cách bơm tiền ra và để tỉ giá thả nổi; Tạo việc làm và phúc lợi xã hội...

Giám đốc Vụ Khu vực châu Á Thái Bình Dương của IMF, ông Anoop Singh đã lưu ý rằng, khủng hoảng tài chính toàn cầu đã không tác động đến các nước đang phát triển châu Á tàn khốc như đã tác động đến các nước khác trên thế giới. Theo ông Singh, sự phục hồi nhanh chóng này là nhờ các chính sách kinh tế đã được thực thi tại khu vực và tiếp tục có những luồng vốn chuyển tiền tư nhân và viện trợ mạnh mẽ, đồng thời nhấn mạnh vai trò của IMF trong việc giúp đỡ các nước đang phát triển đối phó với khủng hoảng./.

*(Nguồn: http://vovnews.vn) *

Chí Đức