Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, trên chiến trường bắc Quảng Trị, địch biết lực lượng ta mạnh, nên chúng tỏ ra chấp hành nghiêm Hiệp định; hoặc có hành động cũng tỏ ra dè dặt.

Về phía Quân khu Trị Thiên, Đại tá Nguyễn Hữu An - Tư lệnh phó kiêm Tham Mưu trưởng quân khu (sau là Thượng tướng, Giám đốc Học viện Quốc phòng) cho biết: Để chống địch lấn chiếm, Bộ Tư lệnh Mặt trận thực hiện chủ trương ngoài việc chống giữ tại chỗ, nếu dịch lấn chiếm điểm A, thì ta có thế chiếm lại điểm B. Vì vậy về cơ bản, ta vẫn giữ được thế cân bằng, không bị địch lấn, mà có chỗ, ta còn lấn sang địch. Mặt trận tổ chức 150 đội công tác xâm nhập vào các cơ sở thôn ấp để củng cố và xây dựng các tổ chức chính trị, vũ trang, tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh chống phá bình định, lấn chiếm của địch. Hoạt động của ta trong lòng địch thời gian này không có gì nổi bật. Duy có “lõm” Hải Lăng có một sự cố, buộc Bộ Tư lệnh quân khu phải “giải cứu”. Về sự việc này, Đại tá Nguyễn Hữu An kể lại:

“…Một đêm đã quá khuya rồi, tôi nghe tiếng chuông điện thoại reo (lúc này Sở chỉ huy phía trước của Quân khu đã về Gio Linh). Tôi nhắc tổ hợp, nghe tiếng anh Thản - Bí thư Tỉnh ủy Quảng trị xin gặp, tôi đồng ý. Anh Thản nói:

- Anh em trong “lõm” bị thương vong nhiều, đòi ra.

- “Lõm’ nào

- “Lõm” Hải Lăng. Ta đưa vào đó hơn 1.000 du kích.

- Ai chủ trương đưa du kích vào, sao không báo cáo cho tôi biết?

- Đây là chỉ thị của đồng chí T.

- Thương vong bao nhiêu rồi?

- Có đến mấy trăm đấy!...”.

Sau này hỏi cụ thể, Đại tá Nguyễn Hữu An mới biết đồng chí T. đưa 1.000 du kích vào rải ra 6 xã: Hải Vĩnh, Hải Xuân, Hải Ba, Hải An, Hải Khê, Hải Thụy.

Bàng hoàng bởi một tổn thất quá lớn, Đại tá Nguyễn Hữu An nghĩ phải tìm cách giải cứu ngay số du kích bị kẹt lại trong “lõm” Hải Lăng. Cùng thời điểm đó, Thượng tướng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng vừa vào làm việc với Bộ Tư lệnh quân khu. Ngay sau khi nhận điện, mặc dù đêm đã khuya, nhưng ông vẫn sang gặp báo cáo xin ý kiến của Tổng Tham mưu trưởng. Ông kể lại:

“Anh Văn Tiến Dũng vừa vào đây buổi chiều, đang nghỉ ở nhà bên. Tôi bảo một sĩ quan tham mưu đi cùng với tôi sang chỗ anh Văn Tiến Dũng. Anh Dũng đã ngủ cũng phải thức giấc tiếp chúng tôi. Sau khi nghe tôi báo cáo sự việc, anh hỏi ngay:

- Ai chủ trương đưa du kích vào đó?

- Anh T. - tôi thưa.

- Anh nghiên cứu xem có cách nào đó để mở đường cho anh em ra. Phải làm ngay, để chậm thương vong thêm, vô ích…”.

Sáng hôm sau, Đại tá Nguyễn Hữu An lệnh cho một tiểu đoàn xe tăng triển khai phía trước Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 và một tiểu đoàn pháo 130 ly hướng về phía địch, đồng thời, cho một cán bộ binh vận ngồi trên xe tăng, bắc loa chĩa về phía địch, yêu cầu chúng phải mở đường cho du kích trong “lõm” ra; nếu không, buộc ta phải dùng vũ lực mở đường. Kết quả là sáng hôm ấy, địch thực hiện yêu cầu của ta. “Lõm” Hải Lăng đã được giải cứu!

Việt Hưng