Giá cả hàng tiêu dùng tại các chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn ở mức rất cao.
Giá xăng dầu liên tục giảm trong thời gian gần đây được người tiêu dùng kỳ vọng sẽ giúp hạ nhiệt giá cả hàng hóa trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế lại không như mong đợi khi các mặt hàng vẫn ở mức giá cao.
Giá xăng dầu giảm, giá hàng hóa không giảm
Theo tính toán, trong 4 kỳ giảm giá liên tiếp từ ngày 1-7 đến 1-8, giá các loại xăng dầu đã giảm từ 1,2 đến 1,5 lần so với mức tăng giá của 7 lần điều chỉnh trong các tháng 4 đến hết tháng 6-2022. Cụ thể, tính đến ngày 21-6, giá xăng trong nước có chu kỳ 7 lần tăng giá liên tiếp tính từ tháng 4, mức giá tăng của E5 RON 95 là hơn 5.500 đồng, giá bán lẻ cao nhất 31.300 đồng, giá xăng RON 92 tăng hơn 4.800 đồng, giá bán lẻ cao nhất 32.800 đồng và giá dầu diesel bán lẻ cao nhất trên 30.000 đồng.
Từ mức giá trên đỉnh, ngày 1-7, giá xăng dầu bắt đầu giảm mạnh, qua 4 lần điều chỉnh giảm, tính đến hết ngày 1-8, giá xăng E5 giảm hơn 6.600 đồng/ lít, giảm còn 24.600 đồng/lít; xăng RON 92 giảm 7.200 đồng; giá dầu diesel giảm 6.100 đồng/lít, giảm xuống 23.900 đồng/lít. Cùng với xu hướng tăng của giá xăng dầu trước đó, giá thực phẩm, đặc biệt là thịt, trứng và cá, rau… trên cả nước từ tháng 4 đến nay liên tục tăng và giữ giá. Tại T.P Hồ Chí Minh, trong tháng 4 và giữa tháng 6, Sở Tài chính thành phố cho phép tăng 2 lần giá trứng gà và vịt trong chương trình bình ổn thị trường. Mức giá tăng 2 lần từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng/vỉ 10 quả.
Tại T.P Hà Nội, từ khi xăng dầu tăng giá, giá cả các mặt hàng như thịt lợn, rau xanh và cá cũng ở mức rất cao. Giá thịt lợn ngoài chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi và siêu thị vẫn ở mức cao, trong cửa hàng tiện lợi, siêu thị dao động từ 100.000 đồng đến 180.000 đồng/kg, còn các chợ dân sinh dao động từ 90.000 đồng đến 140.000 đồng/kg; thịt ba chỉ hiện có mức giá bán cao nhất dao động từ 130.000 đến 150.000 đồng/kg, tại các cửa hàng tiện lợi thực phẩm sạch, siêu thị thịt ba chỉ ở mức 170.000 đến 180.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá các loại thịt khác như thịt gà ta, cá cũng vẫn ở mức rất cao. Hiện cá nước ngọt ở chợ dân sinh ở Hà Nội ở mức 40.000 đến 60.000 đồng/kg, cá trắm cỏ dao động ở mức 60.000 đến 80.000 đồng/kg, thịt gà dao động từ 130.000 đến 160.000 đồng/kg. Nhiều người tiêu dùng cho biết, hiện giá các loại thịt, cá ở chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi vẫn giữ ở mức tăng từ 3.000 đến 6.000 đồng/kg/ tuỳ chủng loại. Giá các mặt hàng rau có giảm nhẹ, nhưng vẫn neo giá cao hơn thời điểm tháng 3/2022 là từ 800 đồng - 3.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Huế - tiểu thương ở chợ Nhân Chính, quận Thanh Xuân, T.P Hà Nội cho biết, từ đầu tháng 7 đến nay, giá thịt lợn đã tăng lên 10 giá, và từ đó đến nay chưa có lúc nào giảm. “Giá thịt lợn chúng tôi lấy qua thương lái đã tăng vọt lên so với trước tháng 7, các thương lái giải thích do giá xăng tăng mạnh liên tục nên phí vận chuyển tăng, thành ra giá thịt cũng phải tăng” - bà Huế cho hay.
Thủ tướng chỉ đạo làm rõ việc giá hàng hóa chưa giảm
Theo các chuyên gia, hiện nay giá cả thị trường ở mức cao do nhiều nguyên nhân, trong đó có lạm phát vẫn cao; chuỗi cung ứng hàng hoá nhiều loại mặt hàng bị đứt gãy do nguồn cung, do thời tiết và do dịch bệnh. Trong khi đó, quản lý chuỗi phân phối, giá cả trên thị trường bị bỏ lỏng. Giá các loại thực phẩm đang tăng ngược chiều với giá xăng, do động thái găm hàng, chờ giá hoặc do thiếu hụt nguồn cung. Giới chuyên gia kinh tế nhận định, việc nhà quản lý thực hiện điều chỉnh giảm giá xăng dầu đã làm vơi bớt nỗi lo tác động tăng giá, giảm áp lực lạm phát, bởi xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế. Tuy nhiên thực tế thì giá các mặt hàng từng tăng theo giá xăng dầu trước đây sẽ khó giảm ngay.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Giá xăng dầu dù đã được điều chỉnh giảm qua mốc 30.000 đồng/ lít, nhưng ở mức như hiện nay vẫn là cao. Trong khi giá xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực vận chuyển - là khâu tác động trực tiếp hầu hết tất cả mọi lĩnh vực kinh tế đời sống, cho nên giá mặt hàng này đã có tác động ngay lập tức đến mặt bằng giá cả. Như vậy, kể cả giá xăng đã điều chỉnh giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, nên khó có thể kỳ vọng giá hàng hóa sẽ giảm theo ngay. Mặc dù thời điểm này, giá xăng đã giảm với mức sâu hơn các điều chỉnh khác, song nhiều doanh nghiệp sản xuất cho rằng, giá xăng dầu vẫn đang là áp lực đối với hoạt động của doanh nghiệp. Và tất nhiên, khi giá nguyên liệu đầu vào cao, chắc chắn giá thành sản phẩm của doanh nghiệp không thể thấp, bởi vậy, việc giảm giá sản phẩm thời điểm này là khó.
Trong bối cảnh áp lực lạm phát lớn từ nay tới cuối năm, ngày 31-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công điện 679 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ và xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý. Với xăng dầu, Thủ tướng giao Bộ Công thương theo dõi sát diễn biến giá thế giới, linh hoạt sử dụng công cụ Quỹ bình ổn trong điều hành để “giá xăng dầu trong nước ở mức phù hợp”, và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng. Bộ trưởng Tài chính báo cáo Chính phủ phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.
Võ Hóa