Do vậy, nhiệm vụ đặt ra trong 6 tháng cuối năm là "bịt" cho được những bất cập trong các quy định hiện hành. Theo Thông tư 104 hướng dẫn thi hành Nghị định 75 của Chính phủ về Pháp lệnh giá quy định, doanh nghiệp có 50% vốn sở hữu nhà nước trở lên ở trong vốn điều lệ phải đăng ký giá. Thế nhưng tại Việt Nam, hầu hết các liên danh sữa, doanh nghiệp đều không đạt được tỷ lệ vốn sở hữu nhà nước cao như vậy. Thành ra, cơ quan quản lý đã không yêu cầu được các công ty này phải niêm yết giá.

Một điểm bất cập khác trong Thông tư số 104 là các quy định về thời gian tối thiểu của các lần tăng giá. Theo quy định trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục, giá bán lẻ sữa tăng từ 20% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động, cơ quan chức năng có quyền áp dụng các biện pháp bình ổn giá. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi lần điều chỉnh, các hãng sữa chỉ tăng khoảng 5-7% giá bán, vẫn nằm dưới mức quy định 20%. Do vậy, chưa khi nào cơ quan quản lý thấy sự tăng giá là vô lý để can thiệp.

Trong quá trình thanh tra giá sữa cơ quan chức năng đã phát hiện một số hãng sữa "lách" quy định để tăng giá bán. Do vậy, cơ quan này đang tổ chức lấy ý kiến các bộ ngành để sửa đổi các quy định trên theo hướng: Không phân biệt thời gian tối thiểu 15 ngày và quy định 20% mỗi lần tăng giá bán lẻ mà căn cứ vào chi phí đầu vào. Trong trường hợp các hãng sữa tăng giá bán một cách vô lý, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra và áp dụng các biện pháp yêu cầu giảm giá.

Từ nay đến cuối năm, Cục sẽ tiến hành sửa Thông tư 104 để kiểm soát giá cả và yêu cầu các doanh nghiệp sữa phải đăng ký giá và niêm yết theo đúng quy định.

Quỳnh Anh (TH)