Tại thị trường sữa tại Hà Nội, hầu hết các mặt hàng sữa đã tăng. Các cửa hàng bán sữa đã chính thức điều chỉnh bảng giá các loại sữa từ ngày 1/1 với mức tăng bình quân 10%, bởi họ vừa nhận được thông báo tăng giá bán từ 5 - 10% của hầu hết nhãn hiệu sữa. Chính vì vậy, họ đã chủ động tăng giá bán trước để đón đầu đợt điều chỉnh này.
Còn về các hãng sữa, tỷ giá tăng lên mức 18.500 VND/1 USD và việc Nhà nước điều chỉnh tăng lương cơ bản được họ lấy làm lý do cho đợt điều chỉnh giá sữa lần này. Tuy nhiên, theo một khảo sát gần đây nhất của Thanh tra Bộ Tài chính, giá sữa ngoại bán lẻ tại thị trường Việt Nam hiện cao gấp 2 lần giá vốn. Người tiêu dùng đang phải gánh quá nhiều chi phí: lương, quản lý, quảng cáo, tiếp thị… vượt mức khống chế (10% chi phí hợp lý) cho chính các hãng sữa.
Theo đánh giá của các chuyên gia, giá sữa ngoại vẫn liên tục tăng cao chủ yếu là do nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng. Họ hiểu tâm lý người Việt Nam vốn chuộng và tin tưởng vào hàng ngoại, đặc biệt là không hề tiếc tiền của để chăm lo cho con cái của mình. Chính vì vậy, các hàng sữa đã liên tục tăng giá bất hợp lý trong thời gian qua, đưa giá sữa tại Việt Nam lên cao nhất trên thế giới. Dù cơ quan chức năng - Bộ Tài chính - có yêu cầu giảm giá nhưng với cơ chế thị trường, họ vẫn có thể tăng giá thấy như vậy là hợp lý.
Khi mức giá lên đến mức bất hợp lý như thế này, chính những người tiêu dùng mới là đối tượng có khả năng khiến giá sữa tại Việt Nam trở lại giá trị thực. Đó là sử dụng quyền mua hoặc sẽ không mua sữa ngoại có giá cao bất hợp lý mà sử dụng sữa nội có mức giá phù hợp hơn. Khi đó, chính các hãng sữa ngoại sẽ phải hạ giá để tìm kiếm lại khách hàng nếu không người tiêu dùng sẽ còn phải đón nhận nhiều đợt tăng giá bất hợp lý nữa của các hàng sữa trong thời gian tới.
Quỳnh Anh (TH)