Dù rằng hồi tháng 3 năm ngoái đã có một lần điều chỉnh song giá bán điện của Việt Nam vẫn xếp vào hàng thấp so với khu vực. 10 năm trước, khi tỷ giá giữa VNĐ và USD chỉ hơn 10.000 đồng, giá bán điện khi ấy vào khoảng từ 5-7 cent mỗi kWh. Giờ tỷ giá đã lên khá cao, trong khi giá bán hiện nay chỉ 5,2 cent.

Tuy nhiên, để tránh gây sốc, các phương án giá lần này được tính toán rất kỹ và tăng ở ngưỡng từ từ và được thẩm định kỹ qua các khâu. Trong đó, phương án một, giá điện dự kiến tăng 10,58%. Giá điện bình quân tăng từ mức 970,9 đồng một kWh lên mức 1.057 đồng mỗi kWh. Khi ấy, tiền điện tăng thêm dự kiến khoảng 8.700 tỷ đồng. Tiền điện cho sản xuất tăng thêm khoảng trên 4.200 tỷ đồng và điện sinh hoạt dự kiến tăng lên 2.300-2.400 tỷ đồng.

Phương án 2, giá điện bình quân dự kiến tăng lên lên 1.026 đồng mỗi kWh, thay cho mức 970,9 đồng một kWh hiện hành, tăng 5,62%. Với phương án này, tiền điện dự kiến tăng thêm do tăng giá là 4.500 tỷ đồng. Tiền điện cho sản xuất tăng thêm 2.000 tỷ đồng, tiền điện cho sinh hoạt tăng 2.100 tỷ đồng.

Phương án 3 giá điện bình quân dự kiến tăng 4,91%, tức từ 970,9 đồng mỗi kWh lên mức 1.019 đồng mỗi kWh. Khi đó tiền điện dự kiến tăng thêm 4.000 tỷ đồng. Theo phương án này, GDP giảm 0,2%, CPI tăng 0,1%.

Bộ Công Thương nghiêng về phương án 3, là phương án có mức tăng thấp nhất có thể. Phương án này phù hợp với hoàn cảnh thực tế hiện nay là VN vừa thoát ra khỏi khủng hoảng, phải tăng giá từ từ, tránh gây sốc. Bên cạnh đó, nếu như năm 2009, Chính phủ có hàng loạt công cụ để chống suy thoái như hỗ trợ lãi suất; giãn, giảm thuế thì năm nay đã ngừng triển khai. Hiện nay, doanh nghiệp vay vốn đã khó, nếu giá điện tăng cao dẫn đến chi phí đầu vào vọt lên sẽ gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp. Thậm chí, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% sẽ khó thực hiện nếu không chuẩn bị tốt. Phương án 3 cũng ít tác động nhất đến GDP và chỉ số giá tiêu dùng CPI.

Quỳnh Anh (TH)