Trong thông báo phát đi ngay sau phiên bế mạc Hội thảo vào chiều 12/11, Ban tổ chức cho biết đã có gần 40 tham luận và 100 ý kiến thảo luận trong hai ngày qua.

Từ việc thiếu cơ sở pháp lý của Trung Quốc với “Đường chín đoạn,” các học giả cho rằng các bên khác trong tranh chấp Biển Đông cũng cần làm rõ yêu sách chủ quyền và vùng biển của mình. Cần có yêu sách rõ ràng và phù hợp với luật pháp quốc tế là cơ sở để xác định các vùng biển tranh chấp và phát triển mô hình khai thác chung tại Biển Đông.

Trong khi tranh chấp chưa được giải quyết hoàn toàn, các bên cần thúc đẩy việc thảo luận Bộ Quy tắc ứng xử (COC) để quản lý căng thẳng và ngăn ngừa xung đột.

Đánh giá về quá trình thực thi DOC [Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông, được ký năm 2002 giữa các nước ASEAN và Trung Quốc-pv] và triển vọng đàm phán và ký kết COC, các học giả nhận định đã có những tiến triển tích cực.

Trung Quốc và ASEAN đã thống nhất được Hướng dẫn thực thi DOC và trên cơ sở đó các dự án hợp tác bước đầu đã được triển khai. Tuy nhiên, các quy định của DOC chưa đủ sức mạnh để tạo ra một khuôn khổ pháp lý điều chỉnh các hành động của các bên tại Biển Đông.

Vì thế, các học giả khuyến nghị ASEAN và Trung Quốc nên tích cực tham vấn và đàm phán để đi kết ký kết một Bộ luật ứng xử có giá trị ràng buộc. COC cần có các quy định rõ ràng theo các lĩnh vực và các bên có lợi ích liên quan nhằm điều chỉnh các hành vi trong các khu vực biển chồng lấn, đồng thời có cơ chế rà soát và báo cáo để giám sát quá trình thực hiện của các bên.

Ngoài ra, các học giả cũng đề xuất các biện pháp hợp tác nghề cá, thành lập một công viên biển hòa bình, tiến hành nghiên cứu khoa học chung, khảo sát về các điều kiện địa lý tại các đảo trong Biển Đông... trong khi chờ đợi một giải pháp cuối cùng cho tranh chấp và biện pháp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên ở khu vực này./.

Theo TTXVN