Công ty TNHH Một thành viên Quản lí và Sửa chữa Cầu đường 175 (đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án Hạ tầng Giao thông Cửu Long) sẽ đảm nhiệm việc thu phí. Trên tuyến cao tốc có 4 trạm thu phí, gồm hai trạm chính Chợ Đệm (đầu tuyến) và Thân Cửu Nghĩa (cuối tuyến), hai trạm phụ Bến Lức và Tân An. Tổng cộng có 17 cửa ra và 13 cửa vào.

Theo biểu phí công bố, nếu nhóm xe dưới 12 ghế ngồi, xe có trọng tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải công cộng đi toàn tuyến 40km sẽ chịu mức phí 40.000 đồng/xe/lượt. Nhóm xe tải có trọng tải từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet sẽ chịu mức phí cao nhất toàn tuyến là 320.000 đồng/xe/lượt.

Theo quy định của Bộ Tài chính, đơn vị thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương được trích để lại 7% số tiền phí thực thu được để trang trải cho hoạt động thu phí, 93% số tiền thu phí còn lại nộp vào ngân sách nhà nước.

Quy trình thu phí như sau: Lái xe sẽ dừng tại máy phát thẻ ở làn vào và bấm máylấy thẻ (trường hợp máy phát thẻ bị trục trặc thì nhân viên ngồi tại đây mới trực tiếp phát thẻ cho tài xế). Trên thẻlưu 3 thông tin, gồm biển số xe, địa điểm làn vào đường cao tốc và thời gian nhận thẻ. Sau khi tài xế lấy thẻ xong, hệ thống sẽ tự động nâng barie lên cho xe chạy qua. Đến cửa ra, lái xe đưa thẻ cho nhân viên ngồi tại ca bin. Nhân viên này sẽ cho đọc thẻ và in vé, trong vé có ghi giá tiền và lộ trình đã đi của phương tiện.

Đường cao tốc TP HCM - Trung Lương được khởi công từ tháng 12/2004 và đưa vào khai thác từ 2/1010 với tổng chiều dài 61,9 km, trong đó tuyến đường cao tốc chính dài 39,8 km, vận tốc thiết kế 120km/giờ, có tổng kinh phí đầu tư 9.884 tỷ đồng. Tuyến cao tốc này đáp ứng cho khoảng 50.000 lượt ô tô qua lại mỗi ngày và rút ngắn thời gian từ TP.HCM đi Tiền Giang chỉ còn khoảng 30 phút thay vì 90 phút như trước đây.

Tuyết Anh