Những ai có hoàn cảnh bình thường nhưng chỉ biết lo cho bản thân mình, không quan tâm, không chia sẻ buồn vui với người xóm ngõ thì bà con coi những người đó không còn chỗ đứng, không có mặt ở làng xóm nữa. Người ta còn mỉa mai rằng, loại người ấy như đã chết rồi. Theo bà con, người sống trong làng xóm phải có tình làng nghĩa xóm. Tình làng nghĩa xóm là vô giá. Bởi vậy, người nào sống thiếu tình làng nghĩa xóm, người ấy như không tồn tại, không được chấp nhận. Và bà con thường tẩy chay loại người ấy. Đó cũng là cách sống ngàn đời nay của con người nơi đây.

Có bận, tôi đã cãi lý với bà con. Tôi bảo, lo cho bản thân mình là lẽ thường tình chứ. Ai chả phải lo cho mình. Mình không tự lo cho mình thì còn ai lo cho mình nữa? Tôi tưởng bà con thế nào cũng thay đổi thái độ nhìn nhận, đánh giá con người. Nhưng không, theo bà con, mỗi người chỉ có lo cho mình không thôi thì chưa đủ, chưa phải là người biết sống có ý nghĩa. Sống như thế có chăng là ở sa mạc, ở đảo hoang. Còn sống trong làng xóm, giữa làng xóm, phải lấy tiêu chí tình nghĩa làng xóm đặt lên hàng đầu. Không mấy ai nói ra điều đó, nhưng trong hành động, trong ứng xử hàng ngày, mỗi người đã gắng gỏi thể hiện điều đó.

Một số người khác, như bản thân tôi là một CCB chẳng hạn, sinh ra và lớn lên ở quê hương Trực Đạo của mình, sau đó vì lý do nào đó mà sống xa quê hương, hoặc đến cuối đời lại trở về quê hương sinh sống, nhưng nếu sống cũng chỉ biết đến mình, gia đình mình, quan hệ với những người xóm ngõ rất nhạt nhẽo, rất hời hợt thì bà con quê tôi cũng chẳng ngần ngại giễu cái ngữ ấy như kẻ chết rồi…

Những ngày chờ nghỉ hưu, tôi đã trở về quê hương mình sinh sống với những người hai sương một nắng. Mỗi cử chỉ, việc làm của họ luôn ánh lên tình làng nghĩa xóm đậm đà. Từ đây, tôi như được thấm thía hơn một bài học nhân sinh quan sống động như “xưa” lắm. Ai cũng sống một lần. Cái chết không chừa bất cứ ai. Sống vị tha, sống vì người khác, sống vì những người xung quanh, ấy mới là đáng sống và sống xứng đáng. Mỗi con người hãy đừng để người khác coi mình như kẻ đã chết trước khi đến với thế giới bên kia. Điều này khiến tôi không thể không liên tưởng tới cái tên một tập thơ của một nhà thơ tài danh người Nga: “Đừng chết trước khi chết” mà nhiều dịch giả Việt Nam thường nhắc đến một cách hào hứng, trân trọng.

Lã Bá Tình