Hàng chục nghìn tấn tiêu thụ mỗi năm!
Hàng chục doanh nghiệp trên địa bàn xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa trong thời gian qua đã cho xây dựng nhà xưởng, đưa máy móc thiết bị vào khai thác, thu gom, chế biến trái phép sét Bentonite được thải ra từ quá trình tuyển quặng Crom.
Dưới hình thức thuê đất của các hộ dân làm trang trại chăn nuôi, gần chục doanh nghiệp đã cho biến thành điểm khai thác, chế biến trái phép sét Bentonnit. Điều đáng nói, diện tích được các doanh nghiệp thuê làm nhà xưởng, nơi sản xuất, chế biến nằm ngay cạnh khu vực mỏ Cromit Cổ Định do Công ty Cromit Cổ Định Thanh Hóa - TKV quản lý.
Hằng ngày, các doanh nghiệp sử dụng công nhân, đưa máy móc đào xới tung diện tích thuê đất làm trang trại, lấy trộm sét Bentonnit (được hình thành từ quá trình khai thác, tuyển quặng Crom của mỏ Cổ Định), đem phơi khô rồi rồi mang đi tiêu thụ.
Chúng tôi thấy cách UBND xã Tân Ninh không xa, các đường ngang được mở ra, dẫn tới các bãi khai thác Bentonite trái phép.
Trong vai một nhân viên đi khảo sát hàng cho dự án, phóng viên thâm nhập vào bãi khai thác Bentonite ngay bên cạnh mỏ Crommit Cổ Định. Hoạt động khai thác bắt đầu vào buổi sáng sớm để sau đó số bùn được xới lên phơi khô dưới ánh nắng vào buổi trưa. Các vật dụng được sử dụng là cuốc, xà beng, thúng và chở bằng xe công nông. Buổi chiều khi đất cứng, được dồn lại thành đống và chất lên xe công nông vận chuyển tới các kho có máy nghiền để tập kết, chế biến.Trao đổi sự việc trên, ông Lê Đình Tâm - Chủ tịch UBND xã Tân Ninh cho biết: Trên địa bàn có đến 8 đơn vị đã và đang sản xuất Bentonite gồm: Công ty Cổ phần khai thác khoáng sản Tân Thành Hưng, DN tư nhân Hùng Ngọc, Công ty TNHH Tân Đức, Công ty TNHH Hưng Cường, Công ty Trường Trung, Công ty Sơn Thanh Phong và Công ty Xuân Nga… Trước đây, trung bình mỗi tháng có khoảng 2-3 nghìn tấn hàng được đem đi bán.
Liên quan đến việc các doanh nghiệp có được cấp phép hay không, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Dương - Phó chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cho hay: Loại sét Bentonite trên là bùn thải trong quá trình khai thác quặng Crom tại khu vực mỏ Cổ Định. Bãi bùn thải hình thành từ thời Pháp thuộc, đầy dần qua từng năm, cho đến khoảng hơn 10 năm trước, loại bùn thải này được một người dân ở địa phương phơi khô, đem bán. Thấy loại bùn thải này có giá trị cao thì nhiều người dân thành lập doanh nghiệp để thu mua, chế biến, vận chuyển đem bán. Không ai cấp phép cho các doanh nghiệp này khai thác loại tài nguyên trên cả.
Vẫn theo ông Dương, loại sét Bentonnite được sử dụng trong khoan cọc nhồi và nghe nói còn có doanh nghiệp sử dụng làm nguyên liệu trộn trong phân bón... “Trước tình trạng khai thác, chế biến loại sét Bentonite bất hợp pháp trên địa bàn xã Tân Ninh (Triệu Sơn) diễn ra gây bức xúc dư luận, tháng 5-2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có lệnh cấm và chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng thu gom, khai thác, chế biến và vận chuyển sét Bentonite tại khu vực mỏ Cổ Định” - ông Dương thông tin.
Trộn bùn thải vào thức ăn gia súc, phân bón?
Trong vai người tìm hiểu mua hàng, chúng tôi được một chủ mỏ quảng cáo: Nếu làm chất độn cho phân bón, thức ăn chăn nuôi thì không cần hóa chất gì thêm, cứ để nguyên thế nghiền ra rồi chuyển đến các công ty. Còn để làm chất kết dính khoan cọc nhồi cho công trình thì sẽ trộn thêm một số hóa chất để tạo thêm độ dẻo. Có thể cung ứng lâu dài với khối lượng đáp ứng hàng nghìn tấn/năm.
Để làm rõ hơn, chúng tôi lần theo một xe chở hàng từ đây đi, đến điểm đến tập kết ở Nhà máy xi măng X77 (đã đóng cửa - PV) - được cho là nhà máy sản xuất phân bón của Công ty TNHH thương mại và sản xuất Hùng Ngọc (Công ty Hùng Ngọc) có địa chỉ ở thôn Do Lễ, xã Liên Sơn (Kim Bảng, Hà Nam).
Theo quảng cáo trên Website của Công ty, doanh nghiệp hiện có mỏ sét Bentonite rộng vài héc-ta và đang sở hữu các sản phẩm phân bón silic, bentonite thuộc diện tốt nhất trên thị trường hiện nay…
Tuy nhiên, tìm hiểu được biết, tại Tân Ninh, mỏ của Công ty Hùng Ngọc thu gom và tập kết đất trái phép trên đất trồng rừng Dự án 327 của hộ ông Lê Đình Chân. Phía sau kho này là khu vực mỏ của công ty có diện tích khoảng 5ha thuộc bãi thải C (trước đây là khu vực của Công ty Cromit Cổ Định Thanh Hóa - TKV sử dụng). Mỗi năm, doanh nghiệp khai thác khoảng hơn 2.000 tấn sét Bentonite.
Để làm rõ quy trình sản xuất, trong vai một người mua chất độn cám thức ăn gia súc, PV được giới thiệu chỉ dẫn vào nhà máy sản xuất tại Liên Sơn. Tại đây, quan sát phía ngoài thấy quy mô nhà máy hoành tráng nhưng khi vào bên trong chỉ là một vài khu xưởng sản xuất, rộng vài nghìn mét vuông, chất đống hàng nghìn tấn bùn thải đã phơi khô.
Trong khu sản xuất này còn có 4 máy nghiền đất, bên cạnh là hàng nghìn bao bột vỏ trắng không nhãn mác được xếp gọn. Đi sang khu được xếp nhiều bao phân bón, PV chỉ thấy nhiều bao phân bón silic hiệu 8 quả đào, kim cương… được đóng gói mà không thấy dây chuyền sản xuất phân bón nào? Ở đây, cũng có đến hàng trăm tấn đang chờ xuất đi.
Những bao tải bột không nhãn mác được giới thiệu để sản xuất phân bón cũng được bán cho khách hàng dùng làm chất độn trong thức ăn chăn nuôi và đều được đặt tên trong giấy tờ xuất hàng là bột sét. Trên giấy tờ, bột sét này cũng được ghi đầy đủ chỉ tiêu như hiệu suất bột sét, độ PH, độ nhớt, hàm lượng cát…
Tuy nhiên, theo tìm hiểu được biết, trong bùn thải từ quá trình tuyển quặng Crom, ngoài sét Bentonite có giá trị cao thì luôn có hàm lượng kim loại nặng khác như niken, crom, sắt…
Không biết khi sử dụng sét Bentonite này trộn vào làm phân bón có ảnh hưởng gì tới cây trồng hay không và khi trộn vào thức ăn, hàm lượng kim loại nặng như niken, crom còn tồn dư trong sét Bentonit, gia súc, gia cầm ăn phải có được tiêu hủy hay lại tích tụ, tiếp tục đưa vào cơ thể con người qua đường ăn uống?
Bài và ảnh: Chính Nhi và nhóm PV