Những chuồng bò sau đầu tư đã trống huơ trống hoác, có hộ còn dỡ bỏ mái bán lấy tiền…

Nhiều cán bộ rơi vào vòng lao lý, còn bò hỗ trợ cho người Ơ Đu nay quá nửa đã chết và bị… bán rẻ. Đó là nỗi chua xót, thất bại từ một dự án có nguồn vốn đầu tư cả trăm tỷ đồng hỗ trợ cho đồng bào dân tộc ít người nhất Việt Nam thoát cảnh… đói nghèo.

Cán bộ vào kiểm tra, chuồng bò bỏ không

Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016-2025 tại bản Văng Môn, xã Nga My và bản Đửa, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tháng 8-2017. Dự án được đầu từ nguồn kinh phí 120 tỷ đồng (trong đó vốn sự nghiệp là 70 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển 50 tỷ đồng). Cơ cấu nguồn vốn của Trung ương 108 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng 12 tỷ đồng. Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An được giao làm chủ đầu tư quản lý thực hiện. Tuy nhiên, thực tế ở bản Đửa không có người Ơ Đu nên bị loại khỏi đề án kể trên vào tháng 2-2019, chỉ còn lại 102 hộ ở bản Văng Môn được thụ hưởng đề án.

Đề án triển khai xây chuồng bò và hỗ trợ bò giống cho 77 hộ dân đủ điều kiện chăm sóc, nuôi nhốt bò. Số bò giống được cấp cho 77 hộ dân ở bản Văng Môn là 304 con, mỗi hộ 4 con (có 4 hộ hỗ trợ 3 con). Giá trị mỗi con bò lúc cung ứng cho bà con nơi đây là 15 triệu đồng/con, với số tiền gần 5 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ cho các hộ dân khai hoang, cải tạo đất sản xuất cùng với các hạng mục khác với số tiền hơn 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bước đầu triển khai dự án đã xảy ra tham nhũng, tiêu cực khi năm 2020, nhiều cán bộ (6 người) của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An và doanh nghiệp bị khởi tố, bắt tạm giam và lãnh án tù vì các tội lập khống giấy tờ liên quan đến dự án này.

Dư luận chưa dịu xuống khi đề án cả trăm tỷ đã đưa hàng loạt cán bộ vào vòng lao lý, thì đầu năm 2023, PV Báo CCB Việt Nam lại nhận được thông tin việc nhiều con bò của dự án cấp cho người dân Ơ Đu đã bị bán và chết, chuồng bò bỏ không!

“Thực mục sở thị” tại bản Văng Môn, thực tế những gì diễn ra đúng như phản ánh! Nhiều chuồng không còn con bò nào; rêu mốc, cây cỏ đã phủ kín lối đi và có hộ còn tận dụng làm nơi chứa gỗ; thậm chí nhiều hộ dân đã cắt khung sắt, tháo dỡ mái chuồng bò để bán lấy 5 triệu đồng - trong khi dự án đầu tư mỗi chuồng bò từ 126 đến 236 triệu đồng?!

Bà Lương Thị Lan - Trưởng bản Văng Môn cho biết: “Sau thời gian bò được cấp, nhiều con đã đổ bệnh, bò ốm yếu, gầy gò rồi chết dần. Có một số con ốm yếu được người dân bán đi để chuyển đổi sáng mua trâu, một số nhà bán bò không đủ tiền mua trâu thì họ lấy tiền đó làm gì không biết”.

Số liệu của UBND xã Nga My cung cấp tại thời điểm rà soát vào tháng 10-2022, cho thấy chỉ có 5 con bò bị chết và bán ra ngoài bản Văng Môn, 299 con vẫn đang… được các hộ chăn nuôi.

Tuy nhiên, khi PV cung cấp số lượng số bò chết và bán đi lên cả trăm con thì ông Lô Văn Viên - Công chức địa chính - nông nghiệp xã Nga My tức tốc xuống kiểm tra. Theo đó, tổng số bò giống cấp cho bản Văng Môn đã có 25 con chết và 92 con đã được bán ra khỏi địa bàn.

Vì sao dự án… thất bại?

Theo Ban Quản lý bản Văng Môn (bí thư chi bộ, trưởng bản, phó bản) nguyên nhân của bò ốm yếu, chết vì giống không phù hợp khi đưa từ dưới xuôi lên miền núi chăn thả. Bên cạnh đó, người dân được cấp bò thiếu ý thức trong việc chăm sóc đàn vật nuôi.

Bà Lương Thị Lan - Trưởng bản Văng Môn thông tin: “Bò giống lấy từ các trang trại ở huyện Quỳnh Lưu, Đô Lương, Nam Đàn và được chia thành 3 đợt hỗ trợ trong năm 2020. Lúc đăng ký, chúng tôi được báo là nhận nuôi 2 đực, 2 cái. Đến khi cấp cho người dân lại nhận toàn bò cái. Chất lượng bò giống cũng không đồng đều”.

Còn ông Lo Văn Hoàng cho biết: Trước khi cấp bò giống, ông cùng một số hộ dân xuống tận trại bò để kiểm tra. Tuy nhiên, qua gặp trực tiếp có một số con giống kém chất lượng, nên ông đã báo lại để không nhận. “Khi đưa bò về giao cho dân, không hiểu sao số bò kém chất lượng đó vẫn được đưa về?! Tiến hành bốc thăm, không may trúng phải một trong những con bò giống kém chất lượng nên tôi đã không nhận” - ông Hoàng nói thêm.

Cũng như hộ gia đình ông Hoàng, gia đình ông Lo Văn Thi - Bí thư Chi bộ bản Văng Môn thấy bò không phù hợp, kém chất lượng nên ông đã làm đơn từ chối nhận. “Dân trên này đã quen chăn thả nên chỉ có bò cỏ bản địa mới phù hợp chăn nuôi ở đây. Khi nói đưa bò trang trại về cấp cho bà con, tôi đã thấy không phù hợp nên làm đơn từ chối nhận. Nhận về không nuôi được mang tiếng ra và cũng mất công chăm sóc” - ông Thi nói.

Được biết, ngoài số hộ thừa nhận bán và bò đã chết do ốm yếu, một số hộ nói đã chuyển bò đi nuôi trong vùng lòng hồ Bản Vẽ nhưng thực tế còn hay không chưa ai kiểm chứng được.

Trao đổi về sự việc trên, ông Vy Mỹ Sơn - Phó ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, cho biết: Khi các hộ nhận nuôi bò đều ký cam kết không tự ý bán bò, không thả rông, không tự ý chuyển đổi sang trâu hoặc gia súc khác. Ngoài ra, các hộ dân không được bán bò mẹ, chỉ bán bê con để duy trì đàn gia súc và bán bò mẹ khi đẻ được 5 đến 6 lứa trở lên.

“Cam kết là vậy nhưng rất khó kiểm soát việc người dân bán bò bởi họ không thông báo đến Ban Quản lý dự án. Thậm chí một số người trong Ban Quản lý còn bán nói gì đến người dân…” - ông Sơn tiết lộ thêm.

Trước thực trạng bò và chuồng có giá trị đầu tư lớn nhưng bị người dân bán đi với giá bèo bọt, ông Sơn thừa nhận đó là một hành động phản cảm.

"Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với UBND huyện Tương Dương thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá lại tổng thể dự án, từ đó đề xuất giải pháp, hướng xử lý. Trước mắt phải ngăn chặn tình trạng bán bò hỗ trợ ra khỏi địa bàn, kiên quyết không để người dân tháo bỏ chuồng bò. Đồng thời các cấp chính quyền sẽ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức hơn nữa trong việc triển khai các dự án” - ông Sơn nói!

Mong lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An và huyện Tương Dương sớm vào cuộc, khắc phục vụ việc để lãng phí, ảnh hưởng đến chính sách xóa đói giảm nghèo của Đảng, Nhà nước ta.

Bài và ảnh: Xuân Hòa