Trong xã hội có một số người không muốn lao động chăm chỉ hoặc không lao động nhưng lại ước mơ có một số tiền lớn. Đến khi có số tiền “từ trên trời rơi xuống” thì họ lại chẳng biết làm gì. Thành ra họ nghĩ ngay đến việc ăn chơi cho thỏa chí, bù đắp lại những ngày thiếu thốn. Tiền không do mồ hôi nước mắt mình tạo ra thường mau cạn bởi bị tiêu pha vào cờ bạc, rượu chè, hút sách, mua sắm xa xỉ… Đến khi nhìn lại, thì thân tàn ma dại, thậm chí còn nghèo khó hơn trước khi có món tiền lớn bất ngờ. Trúng số độc đắc là một ví dụ điển hình.

Ở quê tôi, có nhiều trường hợp trúng số hàng tỷ đồng, nhưng một thời gian sau họ còn nghèo hơn khi chưa trúng số. Có người bảo rằng do họ không chịu đi làm từ thiện. Xin thưa, đồng tiền đàng hoàng của họ thì họ có quyền sử dụng vào bất cứ mục đích gì. Không phải làm từ thiện là tiền bạc sẽ mãi trong túi ta. Quan trọng là chúng ta sống sao cho phải với đời. Cái điều đáng nói ở đây là do họ không biết kinh doanh, không biết tích cóp, tiết kiệm, sử dụng không đúng mục đích. Trước đó, trong tay đâu có tiền tỷ, nên khi thấy số tiền quá lớn thì ngỡ ngàng, họ chỉ nghĩ ngay đến việc tiêu pha cho đã. Và hậu quả của sự nông nổi ấy là nghèo vẫn hoàn nghèo.

Những vấn đề vừa nêu trên cho thấy, tiền không do bàn tay mình làm ra thì rất dễ bốc hơi bởi mọi thứ xô bồ quanh mình. Còn đồng tiền “chính danh”, do sức lao động mình bỏ ra khi mua mớ rau, bó hoa, chiếc áo, đôi giày… thì đắn đo tính toán sao cho hợp lý. Vì vậy cha mẹ cần dạy con phải biết quý trọng tiền bạc ngày từ lúc nhỏ để tạo nền tảng tốt về sau. Cho tiền con tiêu cũng cần nhắc khéo, khuyên nhủ con nên biết tiết kiệm vì lao động để kiếm tiền không dễ dàng. Đừng nên chiều con, cứ hễ con xin tiền là cho ngay mà không đắn đo, không hỏi nguyên nhân cặn kẽ thì quá sai lầm. Đặc biệt, trẻ con chưa cần phải tiêu tiền nhiều (vì mọi việc đã có cha mẹ lo) nên hạn chế cho tiền con.

Ở bậc đại học, con cái có thể tự lo cho bản thân mình bằng những việc làm thêm. Rất nhiều cha mẹ sợ con đi làm rồi phân tâm việc học, học lực sa sút, lệ thuộc đồng tiền. Quan trọng là trẻ đã có nền tảng tốt từ nhỏ, biết suy nghĩ cho bản thân, gia đình. Tại các nước phương Tây, khi chấm dứt chương trình phổ thông, con cái đã phải tự lo kinh tế mình bằng việc vay tiền nhà nước đóng học phí, làm thêm, săn lùng học bổng… nhưng họ vẫn học tốt, giỏi ngoại giao và kỹ năng làm giàu hơn ta. Va chạm thực tế cũng là cách để trẻ học hỏi nhiều kinh nghiệm xã hội, vốn sống, để mai sau bước vào đời một cách dễ dàng.

Đặng Trung Thành