Đồng chí Phó Chủ tịch Hội CCB Việt Nam, Nguyễn Song Phi và ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu chủ trì Hội thảo.
Ngày 31-5-2019, tại tỉnh Bạc Liêu, Trung ương Hội CCB Việt Nam phối hợp Hội CCB tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội thảo “Nhân rộng mô hình CCB giúp nhau giảm nghèo” 13 tỉnh thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Phó Chủ tịch Hội CCB Việt Nam, Trung tướng - Nguyễn Song Phi và ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu.
Những năm qua, CCB thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước, các phong trào của CCB được tổ chức rất đa dạng và phong phú góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội, trong đó tham gia chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững sản xuất kinh doanh giỏi vươn lên thoát nghèo.
Hội thảo tại Bạc Liêu lần này nhằm rút kinh nghiệm, học tập lẫn nhau để nhân rộng mô hình cho cán bộ, hội viên CCB nhất là CCB 13 tỉnh thành phố khu vực ĐBSCL - những tỉnh có điều kiện tự nhiên mang tính đặc thù, còn nhiều khó khăn, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.
Hiện 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL có nhiều mô hình làm kinh tế, giảm nghèo bền vững của CCB. Tiêu biểu là mô hình “góp vốn xoay vòng” của CCB tỉnh Bạc Liêu; mô hình “5 + 1” của Bến Tre; mô hình trồng rừng, bảo vệ rừng của CCB một số tỉnh có rừng; mô hình sản xuất chế biến nông, lâm, hải sản ở các tỉnh ven biển ĐBSCL... Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” thu hút nhiều CCB tham gia.
Theo Đại tá Vũ Ngọc Bình - Trưởng ban kinh tế Trung ương Hội CCB Việt Nam: “CCB khu vực ĐBSCL số hộ nghèo còn 6.396 hộ (chiếm 2,53%), hộ cận nghèo 6.164 hộ (chiếm 2,44%), còn 3.545 nhà tạm bợ. Riêng CCB tỉnh Sóc Trăng còn 1.046 hộ nghèo (chiếm 5,56%), 1.242 hộ cận nghèo (chiếm 6,6%), còn 534 nhà tạm bợ; CCB tỉnh Kiên Giang còn 949 hộ nghèo (chiếm 3,98%), 647 hộ cận nghèo (chiếm 2,71%) và 808 nhà dột nát”.
Những năm qua, Hội CCB 13 tỉnh ĐBSCL đã có nhiều mô hình sản xuất kinh tế của CCB đạt kết quả đáng khích lệ. Từ các mô hình làm kinh tế, giảm nghèo bền vững đã có nhiều CCB vươn lên làm giàu. Tiêu biểu là CCB Phùng Quang Điệp ở ấp Tân Phong, xã Tân Đức (huyện Đầm Dơi – Cà Mau) vươn lên làm giàu từ nguồn vốn vay không lấy lãi của Chi hội CCB ấp; CCB Lê Hồng Dưỡng ấp Hưng Phú, thị trấn Cây Dương (huyện Phụng Hiệp – Hậu Giang) vượt khó thoát nghèo từ “góp vốn xoay vòng giúp nhau giống cây trồng”; CCB Châu Văn Thượng, ấp Vĩnh Thạnh A, xã Vĩnh Hải (TX. Vĩnh Châu – Sóc Trăng) vượt khó vươn lên làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội; CCB Nguyễn Văn Hết xã Tân Hưng (huyện Châu Thành – Tiền Giang) tự bươn chải nhiều năm, đến nay đã mở cơ sở may quần áo gia công đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 40 lao động, mức lương 4,8 triệu đồng/tháng...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Song Phi - Phó Chủ tịch Trung ương Hội CCB Việt Nam đánh giá: Trong những năm vừa qua, Hội CCB các cấp luôn coi công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của công tác Hội. Vì vậy, phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi ngày càng được phát triển và đạt được tốc độ giảm nghèo nhanh. “Hội CCB đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả: Mô hình kinh tế hộ gia đình; mô hình kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, gia trại; mô hình “Câu lạc bộ làm kinh tế giỏi cấp xã”, mô hình doanh nghiệp... Tại hội thảo lần này, các đại biểu tham luận, đánh giá những kết quả đạt được về những mô hình thành công, cách làm sáng tạo cũng như những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm từ thực tiễn các mô hình giảm nghèo, làm kinh tế hiệu quả. Nhiều tấm gương điển hình tiên tiến xuất sắc với những cách làm hay, sáng tạo, thiết thực giúp đỡ đồng đội, con em đồng đội của mình thoát nghèo vươn lên làm giàu. Hội thảo làm cơ sở để nhân rộng những mô hình hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, đạt được mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững” – đồng chí Nguyễn Song Phi khẳng định.
PHƯƠNG NGHI