Trúng mùa, rớt giá

Hiện giá lúa tươi ở khu vực này khoảng 3.500 - 3.600 đồng/kg, lúa khô trên dưới 4.500 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 20%, giảm từ 300 - 400 đồng/kg so với đầu tháng 6-2012. Nông dân ĐBSCL thấp thỏm như đang ngồi trên đống lửa. Điệp khúc “trúng mùa – rớt giá” cứ mãi lặp đi lặp lại. Với mức giá bán lúa hiện tại thì nông dân không có lời, thậm chí bị lỗ. Ấy thế mà nông dân vẫn đỏ mắt chờ thương lái đến mua lúa.

Ông Nguyễn Văn Tân ở xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang vừa thu hoạch xong hơn 2 ha lúa hè thu sớm buồn rầu nói: “Năm nay mưa nhiều khiến lúa bị vi khuẩn và bệnh đạo ôn tấn công, gia đình tui phải phun xịt tới 5 lần thuốc nhưng lúa vẫn bị vàng rực, cháy rụi theo từng chòm, làm giảm năng suất khoảng 30%. Với hơn 2 ha, tui chỉ thu hoạch được 11 tấn lúa tươi, bán luôn tại ruộng 3.900 đồng/kg, thu về vỏn vẹn được 43 triệu đồng. Trong khi đó, cộng sổ chi phí đầu tư sản xuất đã hơn 38 triệu đồng, tính ra mỗi tháng cả nhà làm vất vả trên đồng rộng chỉ kiếm được 1,5 triệu đồng. Thế những vẫn còn thuộc diện may mắn, chứ nhiều người mang về nhà sấy khô tính ra còn lỗ vốn”.

Tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang, T.P Cần Thơ… hầu hết các hộ dân thu hoạch lúa hè thu đều không dám bán vì giá liên tục giảm. Lúa chất đầy nhà, có gia đình phải đi thuê chỗ chứa, khiến cho tình hình sản xuất lúa gạo thêm bức bối. Lão nông Trần Ngọc Tuấn ở xã Vị Đông, huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang nói: “Giá lúa, gạo cứ rớt liên tục. Chúng tôi cũng muốn bán lúa nhanh để có vốn đầu tư cho vụ sản xuất mới, nhưng bán với giá như hiện nay thì lỗ lắm”. Ông Lý Ngọc Triều, nông dân ở huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp rầu rĩ: “Thấy giá lúa giảm, tôi ráng neo lại thử vài ngày đợi giá lên mới bán, không ngờ cứ liên tục giảm. Hồi sáng này, lái trả mua lúa tôi (giống Jasmine, hạt dài tiêu chuẩn xuất khẩu) chỉ 5.600 đồng/kg, giảm 400 - 500 đồng/kg. Chỉ có mấy ngày nhưng với 20 tấn lúa này tôi lỗ mất 10 triệu đồng”.

Ông Lê Văn Đời, Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: “Nông dân đang bước vào thu hoạch rộ lúa hè thu nhưng rất ít thương lái đi thu mua, dẫn đến việc tiêu thụ gặp khó. Hiện giá lúa đã xuống thấp nhất kể từ đầu năm đến nay nhưng nông dân muốn bán cũng không dễ. Điều này không chỉ làm cho chi phí tăng thêm do nông dân phải tốn công phơi sấy, mua bao tạm trữ… mà còn không có tiền trả nợ vật tư, chi phí cho vụ thu đông đang cận kề”.

Thương lái, doanh nghiệp không mặn mà

Chúng tôi làm một chuyến khảo sát tình hình mua bán và giá lúa ở các tỉnh ven sông Hậu qua các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, TP Cần Thơ. Nhiều nông dân đang phơi lúa cặp bên đường cứ lóng ngóng tìm hàng xáo, người thì chờ dưới bến sông để đón ghe mua lúa.

Không chỉ có người trồng lúa mới thấp thỏm, bất an mà cánh bạn hàng, thương lái cũng đang lo rầu không kém. Ông Nguyễn Văn Thanh, bạn hàng xáo chuyên thu mua lúa bán lại cho các doanh nghiệp xuất khẩu ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Ba ngày trước bà bị lỗ 5 triệu đồng vì giá lúa sụt giảm nhanh chóng. Các doanh nghiệp thu mua ở đây không mặn mòi lắm với việc mua vào trong thời điểm này vì giá cả trong nước khá cao, doanh nghiệp ít có lợi”.

Còn các doanh nghiệp lại đưa ra các lý do là hàng tồn kho còn nhiều, không có kho bãi tạm trữ, lãi suất của ngân hàng thay đổi liên tục. Không những thế, lúa vụ hè thu chủ yếu để làm gạo cấp thấp (25% tấm), nên rất khó cạnh tranh được với các loại gạo giá rẻ của nước ngoài. Tính đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp chỉ thu mua được khoảng 675.000 tấn, khiến cho tình trạng lúa gạo tồn đọng trong dân nhiều. Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), tính đến thời điểm này, nước ta đã xuất khẩu gần 3 triệu tấn gạo, trị giá 1,4 tỷ USD, giảm 20,16% về lượng và 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp được VFA phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ lại kêu gặp khó khăn vì đầu ra không thuận lợi nên họ cứ thủng thẳng mà mua, miễn sao là bảo đảm tiến độ và chỉ tiêu được giao. Có doanh nghiệp còn tự hạ giá mua vào thấp hơn một số nơi khác để khỏi phải nhập kho trong thời điểm này. Một số doanh nghiệp khác lại chỉ ưu tiên thu mua tạm trữ cho các hợp đồng bao tiêu đã ký với nông dân trước đó.

Trước những khó khăn về đầu ra của người nông dân, các ngành chức năng cần có nhiều giải pháp cho cây lúa “được mùa, được giá”, để nông dân vươn lên làm giàu chính đáng, an tâm đầu tư sản xuất trong những vụ mùa kế tiếp.

Bài và ảnh: Phương Nghi