Mùa tôm khó

Bước vào vụ nuôi tôm năm 2013, người nuôi tôm ở ĐBSCL vừa thả giống vừa... run. Thời điểm các năm trước, nông dân huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã thả nuôi gần xong vụ tôm, nhưng năm nay, người dân mới thả hơn 1.000 ha, chiếm chưa tới 10% diện tích, thì phải ngừng lại do ảnh hưởng nắng quá nóng, nhiệt độ cao gây bất lợi cho tôm. Những diện tích thả xong đã xuất hiện dịch bệnh làm tôm chết hàng loạt. Ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cũng gặp trường hợp tương tự khi kế hoạch nuôi hơn 4.000 ha tôm công nghiệp, tới nay chỉ thả được gần 1.000 ha thì phải ngưng lại và số tôm chết đã hơn 25%.

Gặp chúng tôi tại bờ ao nuôi tôm của mình, ông Nguyễn Văn Là, ấp Hoà Nhạn, xã Hoà Tú 1 (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) nói: “Thật đau đớn, hơn 20 vạn con tôm giống thả nuôi hơn 30 ngày giờ đang chết đỏ hồ. Chúng chết hàng loạt và diễn biến rất nhanh không có cách nào cứu vãn được”. Cũng trong tình cảnh khốn khổ, bởi cảnh tôm chết đột ngột hàng loạt như các xã Ngọc Tố, Ngọc Đông, Tham Đôn (Mỹ Xuyên); Hoà Đông, Khánh Hoà, Vĩnh Hiệp (Vĩnh Châu), Lịch Hội Thượng, Liêu Tú (Tần Đề)… hiện tượng tôm chết hàng loạt cũng xảy ra. Nhiều người nuôi tôm cho rằng, họ rất chú trọng đến việc cải tạo ao hồ, con giống cũng được chọn lựa rất kỹ, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc tôm, quản lý môi trường nước... trước khi thả giống nhưng tôm nuôi vẫn chết hàng loạt không rõ nguyên nhân, khiến người nuôi tôm rất hoang mang.

Đến xã Tân Duyệt (Đầm Dơi, Cà Mau), chúng tôi không khỏi bất ngờ khi nghe một số nông dân nơi đây tâm sự về cái khó của gia đình mình. Nhiều người có được nguồn vốn tích lũy vài trăm triệu đồng đã bắt đầu vào nghề nuôi tôm công nghiệp, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn họ đã trắng tay. Ngồi bên đầm tôm nhà mình, lão nông Ngô Út Mười, ngụ ấp Tân Long (xã Tân Duyệt) nói như khóc: “Ở đầu mùa vụ năm nay, gia đình tôi đầu tư hơn 500 triệu đồng cải tạo ao đầm, mua con giống… thả nuôi trong 10 đầm tôm của gia đình. Nhưng tôm thả mới hơn tháng đã đâm đầu vào mé bờ chết trắng”.

Tăng cường kiểm tra, đảm bảo chất lượng con giống

Trước tình trạng tôm chết hàng loạt, đã có rất nhiều nguyên nhân, trước hết là do người dân “đốt lịch” nuôi trồng, thậm chí có nhiều hộ tăng vụ, từ 2 vụ nuôi lên 3 vụ/năm. Vụ mùa nuôi tôm năm 2013 đã được ấn định bắt đầu từ ngày 1-3, thế nhưng trước thời điểm hơn một tháng nhiều địa phương đã thả giống. Theo TS Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (Bộ NNPTNT) cho biết: Nguyên nhân ban đầu được xác định tôm chết do bệnh tồn lưu trong môi trường, cộng với việc thời tiết biến đổi thất thường, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh lệch, chất lượng nước không bảo đảm là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh bột phát và lan rộng. Ở một số địa phương đã xuất hiện tôm mới thả (chủ yếu từ 15-30 ngày tuổi) bị chết với triệu chứng bệnh thân đỏ, đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính. “Trong thời gian tới dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Để hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro trong nuôi tôm, các địa phương sẽ căn cứ vào tình hình thời tiết, điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng mà có kế hoạch sản xuất phù hợp”, ông Hảo nói.

Ông Tăng Văn Tuối, ở ấp Cảng Buối là người nuôi tôm giỏi trên vùng đất xã Hoà Đông (TX Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: Phong trào nuôi tôm trong thời gian qua phát triển quá ồ ạt, người người, nhà nhà nuôi tôm vượt tầm kiểm soát của ngành chuyên môn. Khi phát triển nóng như thế thì kỹ thuật của người nuôi không theo kịp nên bao giờ cũng xảy ra dịch bệnh. Đây là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Trước tình hình dịch bệnh còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình, Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản Sóc Trăng khuyến cáo: “Để hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan, Chi cục Nuôi trồng thủy sản yêu cầu các hộ nuôi tôm nghiêm túc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, về phòng chống dịch bệnh. Không được giấu bệnh, không xả nước thải từ hồ tôm có bệnh ra ngoài; các chủ hộ có tôm nuôi bị chết phải mua hóa chất để xử lý. Tăng cường kiểm tra các vùng nuôi tôm và có những biện pháp xử lý kịp thời khi dịch bệnh xảy ra”. Ngoài ra theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản, cần phải chú trọng đến chất lượng con giống, bởi con giống không đảm bảo thì nghề nuôi cũng khó bền vững.

Bài và ảnh: Phương Nghi