Đáng kể hơn, thủy hải sản lại chủ yếu là xuất siêu, nên đã góp phần đáng kể trong việc cân bằng cán cân thanh toán ngoại tệ. Và đặc biệt, nuôi trồng thủy hải sản, nhiều năm qua đã trở thành một nghề có khả năng đem lại lợi nhuận cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho người nông dân.
Mùa nuôi tôm chính vụ năm nay ở ĐBSCL đã chính thức bắt đầu. Người nuôi tôm hiện đang “khốn đốn” do thiếu vốn trầm trọng để tái sản xuất. Mang giấy tờ nhà đất đến gõ cửa nhiều Ngân hàng NNPTNT chỉ cho vay nhỏ giọt hoặc tạm ngừng cho khách hàng mới vay với lý do không cân đối được vốn.
Đến thời điểm này tổng diện tích tôm bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh Trà Vinh là hơn 9.000 ha. Ước tính thiệt hại lên đến 1.000 tỷ đồng, trong khi ngân hàng hạn chế đầu tư. Theo Nghị định 41 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có thể được vay tối đa không cần thế chấp tài sản lên đến 50 triệu đồng; đây là cơ hội lớn cho nông dân phát triển sản xuất. Tuy nhiên, bà con vẫn khó tiếp cận nguồn vốn từ chương trình này. Ông Lê Văn Nghệ, ở ấp Cây Da, xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh nói: “Năm nay vụ đầu thả nuôi đã bị thiệt hại 100%. Vốn đã cạn, ngân hàng lại ngại đầu tư do thấy tôm chết. Người dân rất cần ngân hàng cho vay để tái sản xuất vụ hai. Nếu ngân hàng không mở cửa cho vay tiếp thì nông dân rất khó khăn”. Năm nay, người nuôi tôm tưởng như xuôi chèo mát mái như năm 2011 đùng một cái tôm bệnh chết sạch thế là ngân hàng cắt ngang không cho nông dân vay mặc dù hồ sơ đã làm hoàn tất chất đống tại ngân hàng. Tiếp xúc với chúng tôi bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng NNPTNT huyện Duyên Hải trả lời rằng: “Tôm nuôi từ 2 tháng tuổi trở lên thì ngân hàng cho vay, còn dưới 2 tháng tuổi và không có tôm dưới ao không giải quyết”. Người nuôi tôm đã cạn vốn, đang rất cần tiền để tái sản xuất nhưng với tiêu chuẩn của ngân hàng thì cả huyện Duyên Hải chẳng người nuôi tôm nào được vay vì tôm đã chết sạch.
Hằng năm, Sóc Trăng thả nuôi gần 50 nghìn héc-ta tôm nước lợ, sản lượng đạt hơn 60 nghìn tấn, là nguyên liệu dồi dào phục vụ chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, năm 2011, Sóc Trăng bị thiệt hại hơn 70% số diện tích tôm nuôi nước lợ. Ông Nguyễn Tấn Bửu, Giám đốc Ngân hàng NNPTNT chi nhánh tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành cơ cấu lại nợ, rồi giảm lãi suất cho vay. Cụ thể là số thiệt hại của bà con năm rồi là trên 500 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ gần 50% dư nợ cho vay con tôm của ngân hàng, chúng tôi đã gia hạn nợ đến hết vụ tôm năm 2012. Đồng thời giảm lãi suất cho vay, năm rồi chúng tôi cho vay từ 18 - 19,5%, năm nay cho vay mới chỉ còn 14%. Đối với dư nợ được cơ cấu thì không phải trả lãi suất quá hạn, đồng thời chúng tôi cũng xem xét giảm cho phù hợp để giảm tiền lãi phải trả của bà con nông dân. Bên cạnh đó chúng tôi tiến hành thẩm định, rà soát để tiến hành cho vay bổ sung đối với những hộ nuôi tôm có đủ điều kiện theo quy định, đảm bảo trả được nợ cũ và nợ mới”. Ông Lê Thành Trí, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng: “Chúng tôi và ngân hàng đang bàn biện pháp giúp cho người nuôi tôm tháo gỡ khó khăn về tín dụng. Vấn đề mua bảo hiểm nuôi tôm cũng là một giải pháp, làm cơ sở để ngân hàng đầu tư vốn được bảo lãnh, làm thế nào cho người nuôi tháo gỡ khó khăn”.
Ông Nguyễn Văn Độ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh nói: “Người nuôi tôm rất mong các bộ, ngành có hướng giúp dân trong việc vay vốn để tái sản xuất. Nếu dân không vay được vốn thì tất cả ao tôm sẽ bỏ hoang, kinh tế nông hộ không phát triển rất khó cho địa phương xây dựng nông thôn mới. Thu nhập của từng nông hộ ở xã này đều phụ thuộc vào nghề nuôi tôm sú. Và nếu như ngân hàng không mở cửa cho dân vay vốn để tái sản xuất thì chỉ tiêu thu nhập có nguy cơ chững lại”.
Bài và ảnh: Phương Nghi