Người nuôi tôm điêu đứng, loay hoay chưa tìm được lối ra, bi đát nhất là ở Sóc Trăng, từ xã lên huyện, tới tỉnh đi đâu cũng nghe dân nuôi tôm than dài, chờ giải cứu. Trong 2 ngày 4 và 5-6-2011, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát dẫn đầu đoàn cán bộ chuyên môn có chuyến công tác khẩn cấp về Sóc Trăng cùng với địa phương bàn cách gỡ khó.

Vụ nuôi tôm sú năm 2011, các tỉnh ven biển ĐBSCL có diện tích thả nuôi tôm là 547.356 ha. Đến ngày 3-6, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại tại 7 tỉnh là Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang với 52.470 ha, chiếm hơn 98% tổng diện tích thiệt hại cả nước. Sóc Trăng là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất với 19.805 ha trên tổng diện tích 25.000 ha đã thả giống, chiếm 76% diện tích thả nuôi, ước tính thiệt hại ban đầu 584 tỉ đồng, trong đó chi phí 396 tỉ đồng, con giống 188 tỉ đồng; Trà Vinh 6.546/22.048 ha thả giống, chiếm 30% diện tích nuôi; Tiền Giang 663/3.310 ha thả giống, chiếm 20% diện tích nuôi; Bạc Liêu 8.586/112.993 ha thả giống, chiếm 7,7% diện tích thả nuôi. Tuy nhiên, theo Cục Thú y, thực tế diện tích tôm bị thiệt hại còn cao hơn số liệu báo cáo do khi phát hiện dịch bệnh, người nuôi đã thu hoạch ngay để bán, không báo cơ quan quản lý. Tôm chết chủ yếu ở giai đoạn từ 20 - 30 ngày sau khi thả giống, tập trung ở khu vực nuôi thâm canh và bán thâm canh. Mùa tôm thất bát sẽ ảnh hưởng nhiều tới ngành công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 cho biết “Bằng phương pháp PCR, mô học, sinh học phân tử đã xác định nguyên nhân tôm chết hàng loạt là do vi khuẩn gây hoại tử gan tụy chiếm đến 80%. Tác nhân gây ra bệnh này bước đầu xác định là do vi khuẩn Gamma - Proteobacteria chứ không phải do virut. Tuy nhiên việc xác định bệnh mới, định danh tác nhân gây bệnh này còn cần phải được nghiên cứu tiếp”. Trong khi đợi các “bác sĩ” chẩn đoán đúng bệnh, tiến sĩ Hảo cho biết đang phối hợp các tỉnh ven biển ĐBSCL phân vùng, xếp hạng và áp dụng các biện pháp tiêu độc khử trùng và an toàn sinh học phù hợp. Theo đó, mô hình quảng canh cải tiến phải nhanh chóng cải tạo nạo vét ao, thả giống. Mô hình tôm lúa, duy trì các khu vực tôm vẫn còn phát triển. Còn Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định bệnh ở tôm không chỉ đang diễn ra mà có thể lây lan, do vậy các địa phương có nuôi tôm phải cảnh giác. Trong vòng 10 ngày tới phải hoàn chỉnh hướng dẫn quy trình chống dịch, phải cụ thể. Các cơ quan trực thuộc bộ tiếp tục dốc lực nghiên cứu tìm ra tác nhân gây bệnh ở tôm, làm rõ đặc tính dịch tễ để có biện pháp điều trị và vận động “người dân cùng chống dịch”.

Người nuôi tôm ở Sóc Trăng bị thiệt hại khá lớn do dịch bệnh thủy sản đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, đứng ngồi không yên nhìn thời vụ đi qua. Ai muốn nuôi tôm sú đều cần vốn, nhưng sức đã kiệt, nợ vay ngân hàng còn đó, hoặc nếu có tháo gỡ đồng vốn được thì vấn đề dự báo không đủ con giống chất lượng đáp ứng cùng một lúc cho nhu cầu quá lớn. Đó là chưa nói tới quy trình kỹ thuật, điều kiện cơ sở hạ tầng thủy lợi rất nhiều nơi chỉ có một con kênh chạy dài cấp và thoát nước, không có ao xử lý lắng lọc, có đảm bảo phù hợp chuyển sang thả nuôi tôm thẻ chân trắng hay những đối tượng thủy sản khác. Trước tình hình tôm chết hàng loạt tại Sóc Trăng, người nuôi bị thiệt hại nhiều, tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ 3 triệu đồng/ha bị thiệt hại và đang rà soát danh sách để người nuôi nhận tiền để cải tạo ao nuôi và bắt con giống.

Bài và ảnh: PHƯƠNG NGHI