Từng là người lính nên tôi hiểu những dịp thế này, người lính luôn chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc cho người dân vui đón Tết. Niềm tin ấy càng được củng cố khi đến tận nơi, chứng kiến tận mắt cuộc sống, công tác của các chiến sĩ nơi đảo xa. Xuất phát lúc 4 giờ sáng khi sương sớm còn dày đặc, tàu Hải quân 285 hú hồi còi dài chào quân cảng rồi rẽ sóng ra khơi. Vịnh Hạ Long dày đặc đảo, sương mù trắng xóa, vậy mà tàu vẫn lao đi. Lúc vào ca-bin, biết tôi ở Báo CCB Việt Nam, Đại tá Tô Vũ Đặt-Phó tư lệnh Vùng 1, Chỉ huy Đoàn công tác mời uống nước. Chuyện trò vui vẻ và rồi câu chuyện người lính Hải quân Vùng 1 về tự lúc nào. Chuyện rằng, Vùng 1 Hải quân quản lý vùng biển rộng lớn từ biên giới Việt-Trung đến tận Đèo Ngang. Các đơn vị tiền thân của Vùng là lực lượng nòng cốt của Quân chủng Hải quân làm nên “Đánh thắng trận đầu”, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân; cuộc chiến phong tỏa bằng thủy lôi, bom từ trường của giặc Mỹ; góp phần giải phóng miền Nam, làm nhiệm vụ quốc tế, bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam, bảo vệ chủ quyền Vịnh Bắc Bộ… Gắn bó với Quân chủng mấy chục năm trời nên anh thuộc lòng chiến công của hàng trăm “lão” chiến sĩ và các đơn vị. Truyền thống ấy, theo chân hàng vạn hội viên CCB Hải quân lan tỏa về các vùng miền, góp chung vào truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam… Mải chuyện, khi thấy người nôn nao mới biết tàu đã gần ra khỏi Vịnh Hạ Long. Hóa ra, mình chủ quan thật. Cả thời quân ngũ, là “lính đỏ”, đến khi là CCB, làm nghề báo, được ra Trường Sa, được ra Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, cứ tưởng sóng nước vùng Đông Bắc chẳng nhằm nhò gì… Phó tư lệnh Tô Vũ Đặt cười, gió mùa đông bắc đấy, sóng mới cấp 6, cấp 7 thôi. Lên boong, mưa như quất vào mặt nhưng lại thấy tỉnh.
Có đi mới biết bộ đội mình vất vả thật. Trên biển, tiếng máy tàu như đấm vào tai, đi lại thì xiêu vẹo cứ như diễn xiếc, ăn cơm thì chậu canh, chậu cơm cứ chực chờ lao trái, lao phải bàn ăn theo sự vật lộn của con sóng. Lòng mề trong bụng cứ như lộn tùng phèo cả lên. Khi cập cảng, nhiều khi con sóng lớn lại còn đùa nghịch lôi tàu ra, đẩy tàu vào. Bộ đội thường bị sóng nước đánh ướt quần, ướt giày nhưng quân phục sẫm màu nên ít ai thấy. Lên đảo lại thấy có vất của đằng đảo. Ở đảo Cái Bầu còn đỡ, chứ khi lên đảo Trà Bản, phải vượt quãng đường núi dốc gần chục cây số đến trung tâm xã. Đoàn chúng tôi được ưu tiên, có chiếc xe ba bánh của anh Hiểu - người dân ở xã Bản Sen giúp sức chở cả người, cả hàng ì ạch leo dốc. Đến đơn vị nghỉ ngơi chốc lát, đoàn lại lên núi Tràng Tiên cao 485m thăm anh em chiến sĩ Trạm ra-đa 485 - một trong những “mắt thần” canh giữ biển đảo quê hương. Lại leo dốc đất gần 8km nữa. Trời mưa nặng hạt, đường trơn trượt, vài người vồ được “con ếch”. Lên đến nơi, ăn cơm cùng anh em xong lại “xuống núi”. Hỏi chuyện mới biết, bộ đội ta đã quá quen rồi, toàn đi bộ để chuyển, gạo nước, súng đạn, xi măng, sắt thép vẫn trên vai đều đều. Vất vả là vậy nhưng con mắt ra đa của các anh đêm ngày vẫn luôn nhìn ra biển cả, luôn quản lý chặt chẽ, không để sót lọt, nhầm lẫn các loại mục tiêu. Được biết, năm 2016, Trạm được tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng” lần thứ ba, hàng chục cán bộ, chiến sĩ là Chiến sĩ thi đua, Chiến sĩ tiên tiến, đồng chí Chính trị viên được tặng danh hiệu “Chính trị viên Trạm ra đa tiêu biểu nhất Quân chủng Hải quân”. Lúc lên đảo Trần cũng vậy, cả đoàn hì hục leo dốc cả chục cây số để lên Trạm Hải đăng, lên Cột cờ Tổ quốc, lên Trạm ra đa 480 thăm anh em. Đến gần cổng đơn vị đã thấy băng rôn đỏ rực “Chúc mừng năm mới”. Thấy trên tường hội trường treo đầy các loại bằng khen, giấy khen, báo tường xanh đỏ; thấy vườn rau, khu chăn nuôi, khu doanh trại của bộ đội tươm tất, ai cũng mừng. Vui nhất là, có đào, có quất, có mứt Tết, có bánh chưng xanh, mấy anh em chiến sĩ đang quây quần chuẩn bị mâm ngũ quả. Lên đỉnh cột cờ đảo Trần - công trình của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cách hàng trăm mét đã nghe thấy tiếng phần phật của lá cờ đỏ sao vàng rộng 24m2 đang kiêu hãnh tung bay trong gió.
Ngoài thăm, tặng quà cho các đơn vị trên các đảo tiền tiêu, trên tàu 285 của Đoàn công tác Vùng 1 Hải quân còn rất nhiều quà dành cho bà con nhân dân tại các xã đảo. Được biết, các xã đảo thuộc huyện Vân Đồn, huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), nơi chúng tôi đến có truyền thống cách mạng rất vẻ vang, có tiềm năng kinh tế biển, kinh tế du lịch rất lớn nhưng hiện vẫn chỉ là tiềm năng. Người dân ở đây chủ yếu làm nghề nuôi trồng thủy sản, trồng rừng. Nghèo nhưng luôn hết lòng với bộ đội. Bộ đội cũng vậy. Bà Nguyễn Thị Lan, người dân thôn Nà Na kể, năm 2010 trận lụt lịch sử đã diễn ra ở xã Bản Sen, nước trên rừng đổ về khu vực thung lũng trung tâm của đảo; nhà bà cùng hàng chục hộ khác phút chốc ngập sâu trong nước, mọi người vội chạy lên núi mặc cho đồ đạc trôi theo dòng nước… Trong giờ phút nguy kịch đó, các anh bộ đội Hải quân của Trạm ra-đa 480 đã có mặt kịp thời, cứu người, cứu của cho người dân. Rồi chuyện hàng chục trường hợp người dân ở các thôn Đồng Gianh, Nà Sắn, Điền Xá… ốm đau đột xuất được các bác sĩ quân y kết hợp với Trạm Y tế xã cứu chữa, chuyện các chiến sĩ tiết giảm khẩu phần của mình để giúp đỡ người dân trong lúc giáp hạt. Những chuyện ấy không chỉ ở Trà Bản mà ở cả đảo Trần, đảo Cái Bầu. Cánh nhà báo chúng tôi chia nhau đi theo các phân nhóm của Đoàn công tác tặng quà, tôi đi cùng Đại tá Cao Văn Khuy - Phó chính ủy Vùng 1 tặng quà cho Trường mầm non, Trường PTCS xã Bản Sen, đến tặng gia đình liệt sĩ Phạm Văn Hải ở thôn Đông Lĩnh, tặng quà bác Vũ Tiến Lực- một trong những lão thành cách mạng ở thôn Đông Lĩnh... Đến đâu cũng vui như Tết, mọi khó khăn trong cuộc sống thường nhật bỗng như tan biến trước tình nghĩa quân dân. Đêm, khi tàu neo cạnh đảo Cái Bầu, nhìn ra biển, thấy sáng rực một vùng với hàng trăm thuyền câu mực. Các chị, các anh trên đảo cho biết, bà con mải làm lắm, đến 27-28 Tết mới về bờ, rồi mùng 4, mùng 5 lại rủ nhau giong thuyền ra khơi ngay. Biết tàu anh em mới ra, bà con đem tặng anh em hàng chục ký mực còn đang “giãy đành đạch”. Khi được hỏi về chuyện làm ăn, anh Trần Văn Thắng, một trong những chủ thuyền câu mực tâm sự: Được địa phương, được bộ đội giúp đỡ, năm nay bát ăn, bát để của nhà anh và nhiều bà con đã lớn lên nhiều… Biển, đó là nhà, là cuộc sống của mình mà.
Đây là những chuyện nhìn thấy, còn bao chuyện hay nữa mà chúng tôi chưa kịp biết, chuyện về các CCB huyện đảo Cô Tô, huyện đảo Vân Đồn. Đành hẹn dịp khác vậy. Lúc tàu ra, lúc tàu về tôi đều gặp đàn hải âu giang cánh dập dờn bay theo. Xuân đang đến trên vùng biển Đông bắc thật vui.
LDC