Xe ô tô nhập khẩu ở San Diego, California (Mỹ).

Quyết định của Tổng thống Mỹ - Donald Trump tăng thuế với ô tô và linh kiện nhập khẩu đang khiến cuộc chiến thương mại toàn cầu trở nên nghẹt thở hơn bao giờ hết.

Trong thông báo đưa ra từ Nhà Trắng, ông Trump cho biết, chính thức thông qua mức thuế lên tới 25% đối với ô tô nhập khẩu từ ngày 3-4. Đối với phụ tùng ô tô nhập khẩu, ông Trump cho biết, sẽ hoãn thời gian áp dụng mức thuế này trong vòng 1 tháng, nhưng không muộn hơn ngày 3-5-2025.

Đây là động thái mới nhất trong những đòn tấn công thương mại mà ông Trump liên tục đưa ra kể từ khi tái nhậm chức đến nay. Trước đó, ông Trump đã áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh không ngăn chặn được nạn buôn bán thuốc giảm đau fentanylcó thể gây nghiện, đồng thời công bố mức thuế 25% đối với hàng hóa từ Mexico và Canada.

Quyết định của ông Trump ngay lập tức tạo cơn sóng thần tràn khắp thị trường ô tô toàn cầu. Vốn hóa của các hãng xe hơi hàng đầu thế giới như Toyota, Honda, Hyundai Motor và Kia mất tổng cộng 16,5 tỷ USD. Các nhà kinh tế lo ngại mức thuế mới cao gấp 10 lần so với hiện tại sẽ tạo thêm áp lực lên chuỗi cung ứng và đặt ra thách thức lớn cho ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Thực ra, ông Trump cũng có lý với quyết định của mình. Theo con số thống kê, hiện nay gần một nửa số xe bán ra tại Mỹ là hàng nhập khẩu. Trong số 4 triệu ô tô mà Mexico sản xuất vào năm ngoái, có tới 2,5 triệu xe (61%) được xuất sang Mỹ. Với Canada, con số này lên tới 86%, với 1,1 triệu ô tô được Mỹ nhập khẩu trong tổng 1,3 triệu xe mà Canada sản xuất. Ông Trump cũng từng chỉ trích sự đối xử không công bằng khi Liên minh châu Âu (EU) đánh thuế 10% đối với xe nhập khẩu, gấp bốn lần mức thuế 2,5% đối với ô tô ở Mỹ.

Hệ quả là từ biểu tượng sức mạnh công nghiệp Mỹ, ngành ô tô nước này đã dần suy yếu do cạnh tranh từ Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã chỉ đạo tiến hành cuộc điều tra an ninh quốc gia đối với hoạt động nhập khẩu ô tô. Kết quả cho thấy thị phần ngày càng tăng của ô tô nhập khẩu đang tác động tiêu cực đến an ninh quốc gia, làm xói mòn cơ sở công nghiệp của Mỹ và khả năng của các nhà sản xuất ô tô trong nước, nhất là năng lực của họ trong việc phát triển các công nghệ tiên tiến cho mục đích quân sự.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, ông Trump đã chọn cách không áp đặt thuế quan, mà đàm phán với các đối tác thương mại để khắc phục những lo ngại này. Nhưng tới nay, ông kết luận rằng, các cuộc đàm phán đã thất bại và mối đe dọa an ninh từ hàng nhập khẩu đã trở nên tồi tệ hơn, những sửa đổi đối với thỏa thuận thương mại giữa Mỹ, Mexico và Canada (USMCA) và Hiệp định thương mại Mỹ - Hàn Quốc (KORUS) đều không cải thiện vị thế của Mỹ trong thương mại.

Đẩy mức thuế lên 25%, ông Trump hy vọng có thể bảo vệ nền sản xuất ô tô trong nước, cho phép các tên tuổi “cây nhà lá vườn” như Ford, GM, Chrysler… cạnh tranh tốt hơn trước xe nhập khẩu, qua đó thúc đẩy việc làm, công nghiệp phụ trợ, tăng tính tự chủ... Thuế cao cũng giúp Mỹ giảm thâm hụt thương mại trước các đối tác lớn trong lĩnh vực ô tô, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Canada, cho phép tăng thu ngân sách thêm hơn 100 tỷ USD/năm. Đây còn là một phần trong nỗ lực của chính quyền Trump 2.0 nhằm phục hồi ngành sản xuất, khẳng định chủ quyền kinh tế và giảm sự lệ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, Mỹ cũng khó có thể tránh khỏi tác động của cơn sóng thần do chính sách thuế của ông Trump tạo ra. Thuế  mới sẽ khiến việc sản xuất và kinh doanh ô tô tại Mỹ trở nên đắt đỏ hơn bởi ngành công nghiệp ô tô Mỹ phụ thuộc đáng kể vào linh kiện nhập khẩu. Dự kiến giá mỗi chiếc ô tô sản xuất tại Mỹ sẽ đắt thêm 3.000 USD, trong khi xe sản xuất tại nước ngoài như Canada hoặc Mexico sẽ tăng giá thêm khoảng 6.000 USD mỗi chiếc. Chi phí sản xuất tăng có thể khiến các hãng xe cân nhắc việc cắt giảm sản xuất tại Mỹ, đồng nghĩa nhu cầu việc làm suy giảm. Điều này có thể đi ngược lại kỳ vọng của ông Trump sẽ tạo được thêm việc làm trong thời gian mình nắm quyền.

Hơn ai hết, ông Trump hiểu rõ thách thức đó. Chính vì thế, theo các nhà phân tích, tăng thuế đột biến với ô tô và linh kiện nhập khẩu có thể là chiến thuật phủ đầu của ông Trump với các đối tác thương mại để buộc họ phải tính đến việc nhượng bộ Mỹ trong các cuộc đàm phán sắp tới. Trên thực tế thì ông Trump vẫn để ngỏ khả năng thỏa hiệp. Tuy tăng thuế nhưng cuối tuần trước, ông Trump bày tỏ sẵn sàng đàm phán các thỏa thuận riêng lẻ với các đối tác thương mại đang gặp vấn đề với Mỹ. Cuộc chiến thuế quan đang nóng dần.

Tiến Thành