Đội MAT-19 rà phá bom mìn tại thôn Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trên khắp đất nước vẫn còn biết bao người dân là nạn nhân của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau các cuộc chiến tranh. Ở tỉnh Quảng Trị - một chiến trường vô cùng khốc liệt năm xưa, nay vẫn còn bao vùng “đất chết” cần được rà phá bom mìn; cũng đã có hàng nghìn nạn nhân của bom mìn, vật liệu nổ sót lại từ chiến tranh. Từ năm 1996, tỉnh triển khai Chương trình hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh. Trong đó, MAT-19 là tên của Đội nữ rà phá bom mìn do tổ chức phi chính phủ Nhóm Cố vấn bom mìn (MAG) triển khai hoạt động từ tháng 8-2018. Vượt qua rất nhiều khó khăn, các chị em hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mang lại bình yên cho những vùng đất.
Trở lại tỉnh Quảng Trị vào những ngày nắng nóng dữ dội, chúng tôi tìm về thôn Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng để tìm hiểu về MAT-19 đang làm nhiệm vụ tại đây. Vùng đất nóng như chảo lửa. Từ đằng xa, đã thấy thấp thoáng những bóng đồng phục màu vàng nhạt, đầu đội mũ tai bèo giữa cánh rừng tràm. Đến thật gần mới nhận ra tất cả đều là nữ.
Không gian, thời gian ở đây dường như dừng lại. Ngoài tiếng gió xô tán lá cây tràm xào xạc, vài tiếng chim hót vội, chỉ còn lại âm thanh sắc lạnh phát ra từ những chiếc máy dò mìn. Tranh thủ lúc giải lao, trò chuyện với chị Lê Thị Bích Ngọc - Đội trưởng quản lý MAT-19, tôi được biết: Trong số hơn 40 đội rà phá bom mìn đang hoạt động ở tỉnh Quảng Trị, duy nhất đội của chị tất cả các thành viên là nữ. Công việc của đội nữ thì chẳng khác gì so với các đội nam giới. Cũng mang vác nặng, nguy hiểm, nắng nóng... Đội có 13 người, chỉ có lái xe là nam, còn 12 chị em quê quán ở nhiều nơi. Nhiều chị lúc vào đội làm việc bị gia đình phản đối vì lo mất an toàn, nguy hiểm. Nhưng các chị thuyết phục người thân gia đình đồng ý để được làm việc.
Giữa cái nắng chảy bỏng trên hiện trường, công tác an toàn được đặc biệt coi trọng. Đã được tập huấn kỹ thuật nghiệp vụ, nhưng mọi người luôn cảnh giác đề phòng tai nạn. Chị em phải tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật, không sử dụng điện thoại di động lúc làm việc. Thế mạnh của phụ nữ là nhẹ nhàng, cẩn thận, tỷ mỷ được phát huy, nên công việc luôn đạt hiệu quả. Chị Trần Thị Thảo - phụ trách giám sát chất lượng - đào tạo Dự án MAG cho biết: “Phải bảo đảm an toàn sức khỏe người lao động và trang thiết bị dụng cụ, tài sản của dự án. Các loại bom mìn, vật nổ tìm được Đội tiến hành hủy nổ trong ngày, hoặc đưa đến vị trí quy định để xử lý. MAG có đội ngũ chuyên kiểm tra chất lượng hiện trường, đảm bảo diện tích đất sạch bàn giao phải tuyệt đối an toàn”.
Gác lại chuyện riêng tư, chị em trong đội thương yêu, giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống. Giây phút nghỉ ngơi trên hiện trường, tiếng cười nói râm ran giữa ban trưa. Mồ hôi đọng lại trên gương mặt đỏ ửng vì nắng, chị Hồ Thị Khánh Ly kể: “Làm việc từ 7 giờ, nhưng chị em phải thức dậy từ lúc 4 giờ sáng để lo việc gia đình, chuẩn bị trang bị kỹ thuật và ra hiện trường. Thời tiết nắng nóng, công việc nặng nhọc, nguy hiểm là vất vả mà chị em phải vượt qua”.
Đến nay, dự án rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ do tổ chức phi chính phủ Nhóm Cố vấn bom mìn (MAG) triển khai tại tỉnh Quảng Trị đã hơn 20 năm hoạt động. Tham gia dự án có 41 đội công tác, trong đó 9 đội làm nhiệm vụ phát quang cây cối, mặt bằng, 30 đội thực hiện kỹ thuật rà phá bom mìn, 1 đội xử lý vật liệu nổ. Từ năm 1999 đến nay, MAG đã rà phá trên 45 triệu mét vuông đất tại Quảng Trị, phát hiện và xử lý trên 170.000 bom mìn, vật nổ các loại. Ông Trần Khánh Phôi - Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị đánh giá rất cao hiệu quả các dự án của MAG, góp phần giúp Quảng Trị giảm nhẹ thiệt hại do bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh.
Một ngày mới bắt đầu trên vùng đất cát và nắng gió xã Hải Quế, huyện Hải Lăng. Những bước chân của MAT-19 tiếp tục in dấu trên vùng quê yêu mến. Bao mồ hôi, công sức của các chị đổ xuống đã và đang mang lại cuộc sống bình yên cho người dân, góp phần xây dựng quê hương Quảng Trị anh hùng thêm giàu đẹp.
Bài và ảnh: Trần Văn Thông