5 nữ biệt động còn lại của Đội nữ biệt động Phú Yên (1968-1975) tại cuộc giao lưu nghệ thuật “Viết tiếp những chiến công” do Hội LHPN tỉnh Phú Yên tổ chức.

(Tiếp theo kỳ trước)

Tiêu diệt tên Đoàn Đi - Cuộc trưởng đoàn bình định nông thôn ở Phú Tân, Tuy An

Tên Đoàn Đi là Cuộc trưởng đoàn bình định nông thôn ở Phú Tân, Tuy An. Hắn là một tên tay sai khét tiếng hung hãn, gian ác. Nhiều lần bộ đội, du kích lập kế hoạch trừ khử nhưng hắn đều may mắn thoát chết. Từ đó hắn luôn cao ngạo, huênh hoang trước đông đảo bà con trong ấp chiến lược: “Cộng sản muốn giết tui, đã phục kích, đã gài mìn, nhưng tui không dễ chết đâu. Tui luôn được cả trung đội nghĩa quân cùng với liên gia ấp trưởng bảo vệ. Không một tên cộng sản nào lọt vào đây mà giết nổi tui". Nói là thế nhưng vì đã nhiều lần chết hụt nên hắn luôn đề cao cảnh giác.

Sau khi được sự thống nhất của Tỉnh ủy, Ban An ninh tỉnh chỉ đạo giao nhiệm vụ cho Nguyễn Thi Thu Liễu - Đội phó Đội nữ Biệt động và Nguyễn Thị Hạnh tiêu diệt tên Đoàn Đi. Nhận nhiệm vụ, Thu Liễu thay mặt nhóm xin thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Sau khi tìm hiểu cách thức hoạt động, lịch trình đi lại, cá tính, sở trường... của đối tượng, hai chị thống nhất phương án: Trước hết phải cải trang lọt vào ấp chiến lược, phục chờ thời cơ mục tiêu xuất hiện. Tìm cách tiếp cận, chị Liễu sẽ trực tiếp nổ súng tiêu diệt tên địch, chị Hạnh nổ súng để thu hút sự chú ý của địch, cùng lúc đó quần chúng sẽ hô to: “Cộng sản về, cộng sản về đông lắm bà con ơi!”. Nhân dân sẽ kéo nhau ra, tạo cơ hội cho hai chị tìm cách chạy thoát. Kế hoạch là thế, nhưng thực tế diễn ra thì khó khăn muôn phần. Bởi hai chị đã thoát ly lên núi lâu ngày, sốt rét tóc rụng nhiều, giọng nói cứng ra, người gầy, da xanh, dép cao su đã hằn sâu vào chân, móm sâu vào trong thịt. Nếu không khéo khắc phục rất dễ bị địch phát hiện, sẽ bị bắt ngay lập tức. Hằng ngày hai chị phải ngâm chân xuống bùn, dùng cát, đá cọ cho hết lằn dép; tập nói cho tự nhiên, luyệt tập cả cách tiếp xúc với bọn tề ngụy...; dự kiến luôn cả phương án tự sát nếu bị bắt.

Ngày 1-8-1971, được đồng chí Thông, là một cấp ủy địa phương giúp đỡ, 2 nữ biệt động cho súng, lựu đạn vào bó củi rồi trà trộn với bà con vào ấp chiến lược. Đang đi, bị bọn lính bảo an chặn lại hỏi: “Thanh niên nam, nữ tất cả phải đi Chí Thạnh ngủ. Sao giờ này hai cô còn ở đây?”. Chị Liễu nhanh nhảu trả lời: “Dạ! Gánh củi về là tụi em đi ngay, ai dám ở lại!”. Bọn lính làm ngơ cho đi qua. Đêm đó, hai nữ biệt động được giấu ở hầm bí mật chờ đợi. Sáng ra có tin địch sẽ lùng sục, truy xét gắt gao trong ấp. Hai chị phải bí mật thoát ra ngoài hàng rào ấp chiến lược, tự ngụy trang bằng cây cỏ, nhịn đói khát và kiến muỗi đốt suốt một ngày, đêm hôm sau mới vượt rừng về cứ. Trận đánh không thành, chị Liễu ăn không ngon, ngủ không yên, quyết tâm đề xuất với chỉ huy “Thua keo này, bày keo khác”. Địch lục soát trong ấp không phát hiện gì, chúng sẽ khinh suất, chủ quan, đề nghị cho hai chị tiếp tục nhiệm vụ.

Đêm ngày 3-8-1971, sau hai ngày của lần vào thứ nhất; hai chị lại được cơ sở giúp đỡ đột nhập vào ấp. Suốt đêm hôm ấy, cả hai chị trằn trọc không ngủ được chờ trời sáng để hành động. Cả hai xác định: “Dù hy sinh, bị thương cũng phải diệt cho được Đoàn Đi. Có như vậy mới phá được ấp, dân mới tin theo, tiếp tế cho cách mạng”. Mọi trang phục, súng đạn đã được ngụy tranh kín đáo. Đúng 8 giờ 30 phút, hai chị xuất phát theo sự dẫn dắt của một cơ sở cách mạng. Tới quán bà Đoán ở quốc lộ 1, cơ sở ta quay lại, ra hiệu tên Đoàn Đi đang ở trong quán. Chị Liễu bước qua cầu ván nhìn vào thì thấy một tên to cao, da ngăm, bụng to, xác định hắn là Đoàn Đi. Nhưng với bản năng của kẻ cáo già, Đoàn Đi lại đi ra tiệm may của cô Tiến cách chừng 100m. Cô Tiến vốn là cơ sở cách mạng biết chị Liễu, nhưng giờ thấy chị Liễu đi theo sau một tên ác ôn nên cô Tiến rất lo lắng. Đoán được suy nghĩ của cô Tiến, chị Liễu nhanh miệng hỏi: “Em có vải đẹp không? May cho chị cái áo! Tên Đoàn Đi chọc ghẹo cô Tiến vài câu rồi quay ra. Hai nữ biệt động tiếp tục bám theo.

Bà Liễu kể: "Tôi đi cách nó gần hai thước, định bụng rút súng bắn mấy lần, nhưng nghĩ lại, giơ súng lên thì bọn lính sẽ phát hiện, la lên thì nó sổng mất. Để chắc ăn, tôi quyết định tiếp tục bám theo”. Tên Đoàn Đi lại vào quán bà Đoán, hắn vừa kéo ghế ngồi, đặt hai tay chạm bàn. Nhanh như chớp, chị Liễu từ phía sau rút súng nhằm thẳng vào hắn nổ súng. Máu phun tung tóe, ướt đẫm tờ giấy ghi số đề mà hắn đang cầm trên tay. Chưa yên tâm, chị Liễu bắn tiếp hai phát vào sau lưng xuyên ngực bên trái. Chị Hạnh bắn bồi thêm một loạt đạn nữa. Hai chị cùng hô lên: “Cộng sản về làng đông quá chừng!”. Đúng theo phương án đã chuẩn bị, nhiều người dân trong ấp cùng ào ra hô theo. Bọn lính nghe vậy sợ hãi bỏ chạy về phía đèo Tam Giang. Bà Liễu lấy khẩu cạc-bin của Đoàn Đi, lên đạn, bắn một loạt rồi lấy tiếp khẩu ru-lô mà hắn đeo bên hông. Hai chị nhanh chóng cởi chiếc áo thứ nhất, đi nhanh ra bìa ấp, cởi chiếc áo thứ hai... Súng địch nổ bấn loạn. Theo đúng “kịch bản”, bà con mở cửa ấp, thả bò lùa chạy hàng đàn theo hướng về núi. Hai nữ biệt động đi nhanh thoát ra theo lối cũ, ra khỏi ấp chạy thục mạng. Dọc đường hai chị gặp bộ đội giải phóng, họ đã biết tin từ trước về hai nữ biệt động dám vào ấp diệt tên cuộc trưởng đoàn bình định thì hết sức khâm phục. Hai ngày sau, Báo Quân Giải phóng đã đưa tin về chiến công của hai nữ biệt động với típ đề: “Hai người phụ nữ lạ mặt”…

Về với đời thường

Trải qua nhiều trận đánh với tinh thần dũng cảm, mưu trí, các nữ biệt động đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bốn đồng chí trong đội đã hy sinh, hai đồng chí bị địch bắt, bị tra tấn dã man nhưng vẫn giữ vững tinh thần cách mạng, bị địch hãm hiếp, giết hai rất dã man. Đến ngày giải phóng, tất cả chị em ai cũng bị thương từ một đến nhiều lần; nhưng họ vẫn phát huy phẩm, chất truyền thống của những nữ biệt động trong chiến tranh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Hiện nay, thành viên Đội nữ Biệt động chỉ còn năm người trên địa bàn tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, họ đều là thương binh, được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý. Chị Lê Thị Minh Hãnh được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 2009; chị Nguyễn Thị Thu Liễu được các tổ chức liên quan đề nghị các cơ quan chức năng xem xét đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vì những thành tích và công hiến xứng đáng. Giờ đây mỗi khi gặp nhau, 5 chị em tự hào ôn lại những năm tháng đầy gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang của một thời chống Mỹ. Ai cũng vô cùng thương tiếc nhớ thương đồng đội của mình, đặc biệt là những người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Nguyễn Bá Thuyết