Chiến tranh đã lùi xa, nhưng còn biết bao hài cốt liệt sĩ (HCLS) nằm lại nơi chiến trường xưa - đó là niềm trăn trở không chỉ của thân nhân liệt sĩ mà còn là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và toàn dân, toàn quân ta. Cùng với sự vào cuộc của cả xã hội, có những đội tìm kiếm, cất bốc HCLS của các cơ quan quân sự địa phương trải qua những tháng ngày gian nan, hiểm nguy trên các địa bàn trong nước và nước bạn hằng chục năm qua. Đội K52 thuộc Bộ CHQS tỉnh Gia Lai cũng là một trong số đó...
Ngày 5-1-2001, Đội K52, thuộc Phòng Chính trị (Bộ CHQS tỉnh Gia Lai) được thành lập với chức năng, nhiệm vụ: Tìm kiếm, cất bốc và hồi hương HCLS quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở 3 tỉnh: Ratanakiri, StungTreng, Preah Vihear - Vương quốc Campuchia và quy tập HCLS trong nước.
19 năm tuổi nhưng đã 20 lần làm nhiệm vụ quy tập HCLS trên đất Campuchia, người lính Đội K52 luôn khắc phục khó khăn gian khổ, vượt núi, băng rừng, uống nước suối, ăn cơm vắt; thường trực đối diện với thời tiết khắc nghiệt với những cơn mưa rừng mịt mùng, những cơn lũ ống, lũ quét bất ngờ; lúc lại nắng như đổ lửa, nắng đến cháy da, khát đến khô người. Ở nơi thực hiện nhiệm vụ khai quật còn nhiều bom mìn, chất độc hóa học do chiến tranh sót lại; rắn, rết, thú dữ và cả những cơn sốt rét rừng luôn là mối nguy hiểm đeo bám các chiến sĩ... Mọi sinh hoạt đều tạm bợ giữa rừng với chiếc võng dù luôn theo khắp nẻo hành quân. Đội đã vượt qua muôn vàn khó khăn, những hạn chế về thông tin khu vực chôn cất mộ liệt sĩ, về ngôn ngữ, phong tục tập quán... Đặc biệt một số địa bàn, một bộ phận nhân dân Campuchia bị các phần tử xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động, xuyên tạc về tình đoàn kết, hữu nghị giữa Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân hai nước... gây khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Đội.
Đại tá Trần Ngọc Sỹ - Chính trị viên Đội cho biết: “Cả Đội luôn tâm nguyện, cố gắng cao nhất đưa được các anh về với vòng tay của đồng bào các dân tộc trong nước. Vì vậy, chúng tôi luôn động viên nhau “Một nắm đất cũng không bỏ sót” bởi biết đâu dấu vết các liệt sĩ ở trong đó...”.
Mỗi đợt thực hiện nhiệm vụ bên nước bạn là 6 tháng mùa khô. Về nước, cán bộ, chiến sĩ của Đội chỉ dành ít ngày ổn định nơi ăn, chốn ở là lại lao ngay vào tìm kiếm, quy tập HCLS trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Lý giải về việc này, Thượng tá, Đội trưởng Nguyễn Xuân Toản cho biết: “Do sự biến thiên của địa chất, mưa lũ nên sau hằng chục năm, địa hình không còn nguyên trạng; thông tin của những người cùng thời chiến tranh cung cấp dần dần mất đi độ chính xác vì tuổi tác... Vì vậy chúng tôi phải chạy đua với thời gian để tìm kiếm, quy tập HCLS”.
Ban Chỉ huy Đội chủ động đề xuất với Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Hội CCB các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, liên hệ với các đơn vị, các CCB đã tham gia chiến đấu trên các chiến trường trong nước và trên đất bạn để giúp đỡ tìm kiếm thông tin, tư liệu trận đánh, sơ đồ chôn cất liệt sĩ.
Do luôn làm tốt công tác dân vận nên Đội giải quyết được nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên đất bạn; đồng thời mở rộng việc nắm bắt thông tin về mộ liệt sĩ. Như việc vận động được 1 người nguyên là Trung đoàn trưởng trong quân đội Pôl Pốt ở Preah Vihear năm xưa tự nguyện dẫn đường cho Đội tìm được 45 HCLS. Khi Đội di chuyển đi nơi khác, bà con vẫn liên lạc khi phát hiện ra mộ liệt sĩ.
Nhờ phối hợp với Ban Chỉ đạo 24 thị xã An Khê vận động được ông Huỳnh Văn Sỹ - một người lính Việt Nam Cộng hòa trước đây đã thông báo về câu chuyện tại mặt trận tại An Khê năm 1968. Từ thông tin của ông Sỹ, Đội K52 quy tập được ngôi mộ chung chôn 25 HCLS và 6 mộ lẻ nằm tại Gò Sặc thuộc tổ dân phố 1 (phường An Bình, thị xã An Khê).
Thượng tá Nguyễn Xuân Toản - Đội trưởng cho biết: Từ nguồn thông tin có được, Đội tập trung phân tích, so sánh, đối chiếu với hồ sơ quy tập các năm trước để sàng lọc, khoanh vùng, chốt địa bàn, đồng thời chuẩn bị chu đáo mọi mặt cho mỗi đợt công tác.
Gần 20 năm qua, đôi chân của những người lính K52 in dấu hơn 400 phum, sóc; 140 xã, 22 huyện 3 tỉnh nước bạn. Cả trên những cánh rừng bạt ngàn của các buôn, làng tỉnh Gia Lai, họ cần mẫn lật từng tấc đất, góc suối; cơ động hàng nghìn ki-lô-mét... Đến nay đã tìm kiếm, cất bốc, hồi hương được 1.428 HCLS hy sinh ở Canpuchia về nước và 955 HCLS trong nước được an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ.
Một chặng đường dài ghi đậm công lao và dấu ấn của cán bộ, chiến sĩ Đội K52. Họ thầm lặng thực hiện tâm nguyện của dân tộc Việt Nam, xoa dịu phần nào nỗi đau của thân nhân các gia đình liệt sĩ.
Bài và ảnh: Huy Bắc