Doanh nhân CCB Nguyễn Trọng Thấu (thứ hai, phải sang) giới thiệu quy trình sản xuất bóng của Công ty với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.
Trưởng thành từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh, trải qua thời gian quân ngũ đã góp phần tôi luyện ý chí, sự kiên trì và khát vọng làm giàu chính đáng trên chính quê hương đối với doanh nhân CCB Nguyễn Trọng Thấu - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) - Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB huyện Hoằng Hóa.
Sau 18 năm xây dựng và phát triển, đến nay Công ty có bước phát triển vượt bậc, tạo việc làm cho 1.400 lao động, thu nhập bình quân đạt từ 7,1-7,3 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, sản phẩm bóng Delta được định vị trên bản đồ 32 quốc gia trên thế giới. Sự thành công đó, theo CCB Nguyễn Trọng Thấu là cả một quá trình nỗ lực, tìm tòi và kiên định con đường đã chọn của bản thân ông, các cổ đông và toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động của công ty.
Nói về quá trình thành lập Công ty, CCB Nguyễn Trọng Thấu chia sẻ: “Năm 2002, sau nhiều năm trăn trở nghiên cứu thị trường và kinh doanh xuất khẩu, bản thân tôi đi đến quyết định, đó là kêu gọi các cộng sự mua lại toàn bộ thương hiệu Delta, từ công nghệ, thiết bị dây chuyền sản xuất bóng thể thao bằng da bò đưa về Việt Nam lắp đặt, sản xuất và kế tục thị phần kinh doanh từ thương hiệu Delta tại Hungari, các nước Đông Âu”.
Ngay sau khi thành lập Công ty, CCB Nguyễn Trọng Thấu đã xác định rõ phát triển Công ty theo hướng xuất khẩu trực tiếp ra thị trường quốc tế. Để có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ khi tham gia vào thị trường thế giới thì chất lượng sản phẩm phải được ưu tiên số một.
Ông đã xây dựng chiến lược phát triển Công ty phù hợp trong từng giai đoạn, mà giai đoạn 2008-2012, là loại bỏ hoàn toàn nguyên liệu sản xuất bằng da bò thật, các máy móc thiết bị cồng kềnh, công nghệ lạc hậu ra khỏi quy trình sản xuất. Nhờ đó, năng suất, chất lượng được nâng lên đến 200%; người lao được tăng lên gần 700 người cho lĩnh vực sản xuất bóng, nhất là tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động.
Cũng giai đoạn này, sau thời gian nghiên cứu, tham khảo thị trường, CCB Nguyễn Trọng Thấu đưa dệt may vào sản xuất kinh doanh. Ông Thấu cho biết: “Chiến lược này tôi đưa ra giữa thời điểm nguồn lực lao động ở Thanh Hóa có nghề may đang dồi dào. Điều này đã giúp Công ty thành công ngay những năm sau đó, “giữ chân” gần 600 lao động trên địa bàn huyện Hoằng Hóa và các huyện lân cận”.
Hỏi về bí quyết thành công của Công ty, ông Thấu khẳng định: “Nguồn nhân lực. Đây là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Lợi ích của người lao động luôn gắn liền với lợi ích của doanh nghiệp và ngược lại. Việc tạo dựng mối quan hệ hài hoà, tốt đẹp, bền vững giữa người sử dụng lao động với người lao động là việc cần thiết đối với doanh nghiệp. Ở Công ty tôi, các bộ phận, nhất là bộ phận kinh doanh bằng mọi cách phải đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động”. Chính vì vậy, từ khi thành lập đến nay, nhất là những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, như dịch Covid-19 sản lượng hàng hóa bị cắt giảm nhiều, đơn hàng nhỏ lẻ… nhưng bản thân ông vẫn luôn cố gắng và trực tiếp đàm phán với khách hàng, mang những đơn hàng về để người lao động đảm bảo thu nhập cho họ.
Để người lao động yên tâm sản xuất, trong giai đoạn 2015-2020, CCB Nguyễn Trọng Thấu đã quyết định đầu tư và đưa vào sử dụng Nhà ở xã hội cho công nhân và Trường mầm non Họa Mi Delta ngay bên cạnh khu sản xuất của Công ty. Đây là một trong những công trình phúc lợi mà ông tâm đắc nhất. Vì nó đã cơ bản giải quyết trực tiếp được những khó khăn thường nhật nhất của người lao động, nên trở thành sợi dây gắn kết chặt chẽ giữa Công ty và người lao động.
Bài và ảnh: Vũ Minh - Ngọc Giáp