Ngày nay trên mảnh đất màu mỡ phì nhiêu này, nhiều công trình kiến trúc Phật giáo cổ thường xuyên được tu bổ và bảo tồn với sự quan tâm của cả cấp ủy và chính quyền các cấp, sự đóng góp tích cực của nhân dân. Đúng như Nghị quyết lần thứ XVIII của Đảng bộ tỉnh viết: “Tiếp tục đầu tư và thu hút đầu tư tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa… gắn với phát triển du lịch tâm linh”. Và ngôi chùa Nổi-đình Vòng tại xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình là một trong những minh chứng cho thiện nguyện đó.
Tương truyền rằng, năm 1868, từ trên thượng nguồn sông Trà Lý tự nhiên trôi dạt về 3 bức tượng đại vương. Khi đến khu vực bãi bồi ven sông đầu làng, 3 bức tượng cứ quanh quẩn không trôi đi. Dân làng đã đem vớt ba bức tượng và lấy khu bãi đó để xây dựng đình làng. Để ngăn nước sông, dân làng đắp đê thẳng để đưa bãi vào trong nhưng cứ đắp lên là vỡ. Sau đó dân phải đắp đê vòng quanh khu bãi bồi đó, để khu vực đình chùa nằm ven sông, ngoài đê, thờ đức Dương Không Lộ, Quốc sư thời Lý. Vì thế có tên là Đình Vòng, còn mùa nước lên, chỉ có khu vực đình chùa là nổi trên mặt nước nên có tên là chùa Nổi.
Trải qua thời gian mấy trăm năm, chùa Nổi đình Vòng ngày càng xuống cấp. Lại bị chiến tranh tàn phá nên đã hư hỏng nghiêm trọng.
Gần đây, nhờ sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền, đặc biệt với lòng thiện nguyện của ông Bùi Văn Thọ, một người con của quê hương Vũ Tây, một doanh nhân CCB thành đạt, đang làm ăn ở tỉnh Điện Biên, đã hết lòng đóng góp toàn bộ kinh phí để phục dựng lại chùa Nổi-đình Vòng, xứng đáng là địa điểm văn hóa tâm linh của làng Vũ Tây.
Ngày 18-1-2015, khu đình Vòng-chùa Nổi của làng Vũ Tây được khánh thành, sau 5 năm tu bổ, xây dựng. Có được khu văn hóa tâm linh trang nghiêm này chủ yếu do công đức rất lớn của ông Bùi Trường Thọ, với tiền đầu tư lên tới gần 50 tỷ đồng.
Ông Thọ tâm sự:
- Biết tôi công đức xây chùa, ai cũng ủng hộ. Mua 300m3 gỗ, chủ gỗ ủng hộ 30m3. Mua gạch được ủng hộ thêm cả xe công nông gạch… Cứ có điều kiện đến đâu, mua nguyên liệu, thuê nhân công tới đó. Phải mất 5 năm trời mới hoàn thành công trình. Cũng là thỏa tâm nguyện của dân làng tôi, đặc biệt là của ông nội tôi muốn cho làng Vũ Tây có ngôi chùa, ngôi đình khang trang hoành tráng.
Giờ đây, trên khuôn viên 2,5ha, là quần thể kiến trúc tâm linh đình Vòng-chùa Nổi. Chùa Nổi được xây dựng theo kiến trúc “Nội công ngoại quốc”, là kiến trúc đặc trưng của thời Hậu Lê. Trước chùa là cổng Tam quan, sừng sững, uy nghi, với hai sư tử chầu hai bên, luôn luôn rộng mở, như nhắc nhở mọi người:
Đi đến cửa chùa đem lòng hỷ xả
Bước vào cảnh Phật giữ dạ từ bi.
Ngôi Tam Bảo được xây dựng theo kiến trúc chữ Đinh có 5 gian tiền đường và 3 gian hậu điện. Tại 4 góc mái là bốn mái đao cong vút chạm trổ đầu rồng. Mái chùa được dựng kiểu “chồng rường” và “thượng rường hạ bẩy”. Hệ thống chịu lực gồm các hàng cột gỗ lim, đường kính 0,40m đều được kê trên chân tảng đá.
Ông Thọ còn cho biết thêm, để phục dựng chùa hết 300m3 gỗ, trong đó gỗ lim gần 200m3. Có thể nói vật liệu chính làm đình chùa là gỗ và đá. Lối kiến trúc truyền thống rường-bẩy đã tạo ra nhiều khoảng không gian nền cho nghệ thuật chạm khắc gỗ dân gian ở tất cả các chi tiết: đầu dư, dép hoành, thân bẩy, các bức cốn mê, cốn nách, xà rồng, cửa võng... thể hiện các đề tài trang trí: rồng-phượng trong phong cách nghệ thuật hóa thân: các linh vật luôn hóa đổi thành chim muông, hoa lá, cùng cảnh sắc thiên nhiên phong vân vần vũ, góp phần bổ khuyết cho kiến trúc. Đồng thời nâng cao giá trị mỹ thuật, tôn thêm vẻ uy linh, nghiêm cẩn - một đặc điểm của tư duy kiến trúc đồng bằng Bắc Bộ: Phía trước sân chùa, bên trái là Các Quan Âm, Phật Bà tay cầm tịnh bình và nhành dương liễu, với gương mặt bao dung, hiền hậu, phóng tầm mắt xa xăm như nguyện cứu khổ, cứu nạn cho người dân Vũ Tây. Bức tượng Phật Bà bằng đá cẩm thạch, nặng tới 6 tấn. Liền sau tượng Quan Âm các là gác chuông cao hàng chục mét.
Bên phải chùa là đình Vòng, nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi tập hợp việc làng. Kiến trúc truyền thống được xây dựng dựa trên những nguyên tắc của thuật phong thủy. Đình Vòng có vị trí khá lý tưởng, thoáng đãng nhìn ra sông nước. Đình Vòng to, rộng được dựng bằng những cột lim tròn to thẳng tắp đặt trên những hòn đá tảng lớn. Mái đình lợp ngói mũi hài, hai đầu hồi làm bốn góc đầu đao cong. Trên nóc đình là hai con rồng chầu mặt nguyệt, tục gọi là "lưỡng long triều nguyệt" hay "lưỡng long tranh châu". Sân đình được lát gạch. Trong đình, gian giữa có bàn thờ, thờ một vị thần của làng gọi là Thành hoàng. Một chiếc trống cái cũng được để trong đình để đánh vang lên theo nhịp ngũ liên thúc giục dân làng về đình tụ họp bàn tính công việc của làng.
Nếu quý khách và phật tử có dịp về Kiến Xương, hãy ghé thăm và chiêm bái ngôi chùa Nổi-đình Vòng nằm nép mình bên bờ sông Trà Lý thơ mộng, để được tĩnh tâm, để được lạc vào cõi hư vô và tìm thấy duyên Phật pháp của mình.
Bài: Quang Vinh
Ảnh: Anh Hải