Hiện nay, có thể thấy các hoạt động thương mại, trao đổi hàng hóa giữa các doanh nghiệp của hai nước Việt Nam – Campuchia đang diễn ra sôi động, đa dạng, phong phú theo các hình thức buôn bán chính ngạch, tiểu ngạch, chuyển khẩu,vận tải cảnh và quá cảnh. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đầu tư vào Campuchia ở nhiều lĩnh vực và nổi bật một số lĩnh vực như: ngân hàng, viễn thông, dầu khí, khoáng sản, cao su. Đây cũng chính là thị trường tiêu thụ lớn đối với một số mặt hàng công nghiệp tiêu dùng của Việt Nam là vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép, gạch, men, sơn…), thiết bị nội thất, sản phẩm nhựa, dây điện và dây cáp điện, máy biến thế và động cơ điện, săm lốp ô tô xe máy, và cơ khí nhỏ, hóa mỹ phẩm và chất tẩy rửa.v.v..

Những mặt hàng này có khả năng gia tăng kim ngạch xuất khẩu, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng đáp ứng và hàng của Việt Nam có sức cạnh tranh trên thị trường Campuchia. Nhìn chung, đầu tư của Việt Nam vào Campuchia ngày càng sôi động với tiềm năng cũng như quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.

Chính phủ Việt Nam và Campuchia rất quan tâm ủng hộ các doanh nghiệp hai nước hợp tác để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước. Ngày 26/12/2009, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp với Hội đồng Phát triển Campuchia tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư của Việt Nam vào Campuchia. Một số tỉnh biên giới đã thành lập được các trung tâm xúc tiến thương mại, hỗ trợ được các doanh nghiệp, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại của mình. Các cơ quan quản lý đã phần nào hạn chế được hoạt động gian lận thương mại và buôn lậu qua biên giới Việt Nam – Campuchia. Bên cạnh đó, một phần cũng do Chính Phủ Campuchia đang triển khai thực hiện cơ chế thị trường tự do, tư nhân hóa nền kinh tế, vì vậy các doanh nghiệp nước ngoài có thể thành lập 100 % vốn nước ngoài để hoạt động, kinh doanh như là Công ty của Campuchia.

Quỳnh Anh (TH)