Theo đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng việc kiểm tra chất lượng cá tra, ba sa xuất khẩu là yêu cầu không cần thiết mà nên để doanh nghiệp tự công bố về chất lượng sản phẩm và thực hiện ghi nhãn.
Theo các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ cần thẩm tra, giám định theo quy định tại Điều 27, 29 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và xử lý theo quy định tại Luật này. Việc loại bỏ mục kiểm tra này là cần thiết vì nếu có sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và không phù hợp với quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) cũng góp ý, chi phí cho việc lấy mẫu và thử nghiệm phục vụ thẩm tra chất lượng do cơ quan kiểm tra sản phẩm chi trả.
Trả lời về kiến nghị của doanh nghiệp, NAFIQAD cho biết, Điều 33 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP quy định: cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất đối với hàng hóa gây ảnh hưởng đến lợi ích và uy tín quốc gia.
Ngoài ra, theo Điều 41 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, căn cứ kết quả thử nghiệm, cơ quan kiểm tra kết luận người sản xuất, người bán hàng vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì người sản xuất, người bán hàng phải trả chi phí lấy mẫu và thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho cơ quan kiểm tra.
Riêng về kiến nghị xem xét lại biện pháp tạm đình chỉ xuất khẩu đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cá tra vi phạm về chất lượng sản phẩm vì điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn tới sự sống còn của doanh nghiệp, NAFIQAD cho biết: Cục sẽ sửa đổi cho phù hợp, trong đó các doanh nghiệp vi phạm sẽ bị công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tuy nhiên, để có quyết định cuối cùng về việc kiểm soát chất lượng cá tra, ba sa phi lê xuất khẩu, NAFIQAD sẽ tiếp tục lấy thêm ý kiến với doanh nghiệp, để khi quyết định có hiệu lực sẽ vừa kiểm soát tốt lại dễ thực hiện cho cả doanh nghiệp và nhà quản lý./.
Theo Vietnam+