Sức cạnh tranh với thị trường của doanh nghiệp đã yếu nay còn yếu hơn nữa. Do vậy các doanh nghiệp ngay trong thời điểm này buộc phải lên phương án đối phó với mặt bằng giá tăng cao.

Tiết giảm tối đa chi phí

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã phải tính toán rất kỹ bài toán tỷ giá, tính sát giá trị mọi kế hoạch kinh doanh. Trong các kế hoạch kinh doanh có điều khoản về hệ số trượt giá, nhưng tính toán kỹ đến bao nhiêu đều khó có thể chuẩn xác trong thời điểm này. Bộ phận kế hoạch của các doanh nghiệp đang phải rà soát, tính toán kỹ để có phương án đối phó với tình hình mới. Chủ trương đẩy mạnh công tác thu hồi vốn và khối lượng công việc dở dang, tăng cường công tác hạch toán kinh doanh, xây dựng và ban hành các định mức đơn giá nội bộ nhằm quản lý chặt chẽ chi phí, và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Bên cạnh việc bám sát kế hoạch sản xuất, kinh doanh, cũng tăng cường marketing để phát triển thị trường đối với những dịch vụ đã có và mở rộng thị trường lĩnh vực dịch vụ mới. Đồng thời triển khai và kiểm soát chặt chẽ quy chế giao việc nội bộ; các đơn vị phải đảm bảo đủ năng lực, điều kiện, biện pháp thi công, nhân lực, quản lý, tài chính mới được giao việc.

Ngoài ra, thay vì cắt giảm nhân công, tìm nguyên liệu rẻ hơn và tăng giờ làm. VS TSKH Trương Công Phú, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế, UBT.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng “ các doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư nâng cao thiết bị sản xuất ít tiêu hao nguồn năng lượng, tận dụng tối đa các nguyên vật liệu có sẵn phục vụ cho sản xuất. Đồng thời, để giảm thiểu tối đa chi phí, doanh nghiệp nên tập trung sản xuất vào giờ có mức tăng giá điện thấp nhất.”

Mới đây, một trong những nỗ lực đưa doanh nghiệp vượt khó và phát triển kinh doanh bền vững, bà Nguyễn Thanh Giang, Phó giám đốc Công ty TNHH Tân Thế Kỷ, ở 212 Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Công ty đã mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu USD nhập thiết bị hiện đại nhất, tiết kiệm tối đa lượng điện năng sử dụng... để có được giá thành tốt nhất. Tìm thị trường mới cho những sản phẩm của mình.”

Điều đáng lo ngại là giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng không chỉ kéo theo chi phí trực tiếp mà cả giá các vật liệu sản xuất khác. Trong bối cảnh lãi suất cao, chi phí đầu vào tăng, nếu việc làm ăn không thuận lợi, doanh nghiệp phải cố gắng tiết kiệm, giảm tối đa chi phí thì mới có thể bù được phần tăng thêm do tác động tăng giá của thị trường.

Quay nhanh vốn lưu động

Quay nhanh vốn lưu động là giải pháp nhiều doanh nghiệp thương mại lựa chọn. Ví như công ty chuyên về xuất khẩu hàng nông sản mới đây đã mở rộng xuất khẩu sang mặt hàng sắn lát, thay vì tập trung cho xuất khẩu gạo như trước kia. Cạnh tranh trong xuất khẩu gạo khiến doanh nghiệp phải đưa điều kiện ưu đãi thanh toán trả chậm cho đối tác quen khiến đọng vốn, mỗi năm xuất khẩu được 3 lần. Mặt hàng sắn lát có nguyên liệu dồi dào, dễ thu mua và sơ chế, ít cạnh tranh, tốc độ quay vòng vốn nhanh, đỡ chi phí lãi vay đang đắt đỏ.

Ứng phó với tình huống bất lợi trong nhiều trường hợp đòi hỏi doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn. Năm 2008 - 2009, CTCP Tập đoàn Minh Phú đã nhìn thấy trước bài toán thiếu nguyên liệu, xuất phát từ việc đầu tư và nuôi tôm theo phong trào của người nông dân. Công ty đã đầu tư cho vùng nguyên liệu, tạo thành quy trình khép kín từ con giống, nuôi trồng, đến chế biến xuất khẩu. Sau 2 năm xây dựng, trong năm 2011, Công ty sẽ đưa nhà máy mới Minh Phú - Hậu Giang vào hoạt động, với công suất lớn hơn công suất toàn bộ các nhà máy chế biến hiện tại cộng lại. Tầm nhìn xa đang giúp Minh Phú nâng cao cơ hội xuất khẩu trong bối cảnh nhiều nhà máy chế biến tôm đang hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu.

Theo ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết, các doanh nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào vật tư, nguyên liệu bên ngoài thì “lợi - hại” là tương đương. Tuy nhiên bên cạnh những doanh nghiệp năng động, thích nghi được với hoàn cảnh mới thì không ít doanh nghiệp cho biết, có thể họ sẽ phải chuyển hướng sản xuất, “lánh nạn” sang các ngành ít cạnh tranh hơn, hoặc chi phí đầu ra chấp nhận mặt bằng giá mới.

Cũng có ý kiến lại cho rằng, không nên mở rộng đầu tư, mà tập trung cho những dự án đã triển khai để tránh lãng phí, nhanh chóng tạo ra lợi nhuận thực là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Cắt giảm chi phí đối với các dự án, khoản đầu tư, máy móc thiết bị kinh phí cho các hoạt động chưa cần thiết. Cùng với đó là tăng lương, hỗ trợ thêm nhiều khoản giúp cho người lao động vượt qua khó khăn, để có thể giữ lao động có tay nghề. Ông Dương Anh Hiến, TGĐ Công ty cổ phần Dịch vụ quảng cáo báo chí và truyền hình Việt Nam cho biết: “Ở thời điểm hiện tại nên lắng nghe thông điệp điều hành vĩ mô và diễn biến của thị trường. Và chỉ có thể đầu tư thận trọng, chờ đợi những tín hiệu khả quan trong quý II".

Về lâu dài, các doanh nghiệp cho rằng để hạn chế tình trạng thua lỗ và để đẩy mạnh phát triển kinh doanh bền vững thì cần có những “chiến thuật” vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, cũng như cần có sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước. Mặt khác, các doanh nghiệp phải chủ động vượt khó, thay đổi phương thức kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp và tìm ra những hướng đi phù hợp là những giải pháp hiệu quả để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, về lâu dài, các doanh nghiệp nước ta cần học hỏi kinh nghiệm cách vượt qua khủng hoảng của các doanh nghiệp trên thế giới, đó là phải đổi mới, sáng tạo, nhạy cảm hơn trong mọi hoàn cảnh để có thể tồn tại và phát triển một cách bền vững trong thời gian tới.

THANH NGHĨA - NGUYỄN THẮNG