Mục tiêu của ngành điện lực là cung cấp đầy đủ điện năng với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 khoảng 194-210 tỷ kWh; năm 2020 khoảng 330-362 tỷ kWh. Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010 lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020…
Để thực hiện mục tiêu và khối lượng quy hoạch khổng lồ như được duyệt, dự kiến tổng vốn đầu tư cho toàn ngành điện đến năm 2020 khoảng 929,7 nghìn tỷ đồng (tương đương với 48,8 tỷ USD, trung bình mỗi năm cần khoảng 4,88 tỷ USD). Và để có được khoản kinh phí như vậy thì việc tạo môi trường thu hút đầu tư là điều quan trọng, trong đó giá bán điện đóng vai trò lớn. Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, giá bán điện trong Quy hoạch điện VII phải bảo đảm thu hồi được chi phí và có mức lợi nhuận hợp lý (thành phần đầu tư tái sản xuất mở rộng) nhằm bảo đảm các doanh nghiệp ngành điện tự chủ được về tài chính.
Theo quyết định 1028, giá điện sẽ được điều chỉnh dần từng bước nhằm đạt chi phí biên dài hạn của hệ thống điện đến năm 2020, tương đương 8-9cents/kWh, bảo đảm cho ngành điện có khả năng phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống điện.
Một thông tin đáng chú ý khác tại cuộc họp báo đó là EVN đã công khai con số nợ của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) với Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV) lên tới gần 10 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, tình hình sản xuất kinh doanh của EVN lại rất khó khăn. Cụ thể là năm 2010, EVN lỗ 8185 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, tập đoàn cũng đã lỗ tới 3.500 tỷ đồng…. Và giá điện hiện đang áp dụng thấp hơn so với yêu cầu để EVN hoạt động có lãi. Chính điều đó đã khiến nhiều phóng viên đặt câu hỏi cho lãnh đạo Bộ Công Thương về việc EVN đang thua lỗ nặng và chồng chất cùng với mục tiêu điều chỉnh giá điện đến năm 2020 có gây sức ép tăng giá trong thời gian sắp tới?
Quỳnh Anh (TH)