Pháo đối hải số 1.
Từ trung tâm thị trấn Cát Bà, khoảng 10 phút xe chạy, qua cung đường quanh co dốc núi là chúng ta đặt chân đến đỉnh, từ đây chúng ta có thể chiêm ngưỡng thiên nhiên bốn bề khoáng đạt của Cát Bà. Ở cao điểm 177, một Pháo đài Thần công hiển hiện gần như nguyên vẹn bởi hệ thống hầm hào quân sự đặc trưng và hệ thống quan sát. Ngoài những đoạn hào đắp lên bằng những khối đá to dày và thô ráp, các đoạn đường hầm đồ sộ với mái vòm đi sâu vào lòng núi được xây dựng từ những năm 40 của thế kỷ 20. Nơi đây còn lưu lại những chứng tích lịch sử, gồm hai khẩu pháo Thần công đối hải cỡ lớn. Những công trình này gần như còn nguyên vẹn dù đã trải qua chiến tranh và thời gian.Một cửa hầm tránh bom ở Pháo đài Thần công.

Hai khẩu pháo đối hải thu hút sự quan tâm và cả sự tò mò của tôi. Theo lời kể của cô hướng dẫn viên, thời đó, Pháp đưa 3 khẩu súng Thần công: 1, 2, 3 sang Hải Phòng. Rồi từng bộ phận của pháo được kéo lên núi bằng sức người, sau đó mới lắp ráp lại cho hoàn chỉnh.

Khẩu Pháo đối hải số 1, được sản xuất tại Pháp năm 1910, cỡ nòng 138mm, tầm bắn khoảng 40km, khai hỏa bằng máy phát điện, sử dụng tọa độ trên không để định vị mục tiêu (nơi đây được bao bọc bởi rừng núi, không thể dùng ống nhòm để quan sát). Khẩu pháo số 2 nằm cách khẩu pháo số 1 không xa nhưng đã bị mất nhiều bộ phận.

Chính thức mở cửa đón khách từ ngày 13-6-2010, Pháo đài Thần công không chỉ là công trình có ý nghĩa lịch sử, đây còn là điểm đến ấn tượng với những khung cảnh nguyên sơ nhưng hùng vĩ, rất nên thơ. Đứng ở nơi đất - trời, biển - núi giao hòa này, chúng ta có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp độc đáo mà thiên nhiên ban tặng cho hòn đảo ngọc này.

Vũ Minh