Tổ công tác đến với đồng bào Mông bản Phà Lõm.
CCBVN - Để hoàn thành nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, những người lính biên phòng Tam Hợp (BĐBP Nghệ An) luôn xác định phải gắn bó, chăm lo, giúp đỡ đồng bào Biên giới - chính họ là “phên dậu” Tổ quốc. Tôi may mắn được theo các anh trọn một đêm đến với đồng bào Mông, càng thấm thía việc các anh làm.
Sau nhiều giờ vật lộn với con đường độc đạo, quanh co bên vách núi, vực thẳm, chúng tôi đã đến được Đồn Biên phòng Tam Hợp (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) khi mặt trời đã nghiêng về phía bên kia dãy Trường Sơn. Lúc này những bản làng nơi biên giới đã chìm trong sương mù, nhiều ngôi nhà của đồng bào dân tộc Mông đã lên đèn, thì cũng là lúc các tổ công tác của Đồn Biên phòng Tam Hợp bắt đầu đi địa bàn, gặp gỡ, tiếp xúc với nhân dân.
Bản Phà Lõm (Tam Hợp, Tương Dương, Nghệ An), nơi định cư của 112 hộ; 669 nhân khẩu đồng bào Mông là bản mà Tổ công tác đêm nay về với họ.
Trên đường đi, Đại úy Già Bá Ná - Đội trưởng đội Vận động quần chúng của đồn Biên phòng giải thích: “Phải đi vào giờ này mới gặp được đồng bào. Bởi đồng bào dân tộc Mông thường vào rừng làm nương rẫy từ tinh mơ, đến chiều muộn mới về. Muốn họp dân bản, cũng phải họp ban đêm và phải thông báo đến đồng bào trước nhiều ngày”.
Bản Phà Lõm nằm giữa thung lung, vây bọc bỡi những ngọn núi thuộc dãy Trường Sơn. Những năm đầu của thập niên 90, nơi đây là địa bàn hoạt động của một tổ chức phản động. Chúng đã lợi dụng vào sự thiếu hiểu biết về pháp luật của đồng bào Mông, lôi kéo bà con tham gia vào các hoạt động chống phá Nhà nước.
Những thời điểm nóng, bản Phà Lõm có đến 6 hộ gia đình công khai theo tổ chức phản động này. Trước tình hình đó, chính quyền đã chỉ đạo Bộ đội Biên phòng Nghệ An, đặc biệt là Đồn Biên phòng Tam Hợp thực hiện các kế hoạch đề ra một cách quyết liệt, bền bỉ. Kết quả Bộ đội Biên phòng kết hợp nhiều giải pháp nhằm vô hiệu hóa, làm tan rã được bọn phỉ. Tuy nhiên, nay dù không còn những hành động ngang nhiên như trước, nhưng chúng vẫn lén lút hoạt động về đêm, dụ dỗ, lôi kéo đồng bào bỏ làng bản theo chúng. Chính vì thế, công tác nắm tình hình địa bàn, kết hợp với nhân dân thuyết phục, tuyên truyền pháp luật và vận động đồng bào cùng tham gia “điểm mặt, chỉ tên” kẻ xấu là nhiệm vụ chủ yếu của cán bộ, chiến sỹ biên phòng.
Với phương châm: “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, cán bộ chiến sỹ biên phòng đồn Tam Hợp đã vận động được 6 hộ gia đình từng theo phỉ vào rừng, trở về với bản làng yên tâm làm ăn sinh sống. Chúng tôi cùng tổ công tác đến nhà anh Lầu Vả Mềnh - người mà trước đây đã cùng với nhiều người khác trong bản Phà Lõm theo phỉ nhiều năm... Những cái nắm tay, những câu chào hỏi xen lẫn những tiếng cười giòn tan giữa Bộ đội Biên phòng với Mềnh thật chân tình, ấm cúng.
Nghe kể lại, chúng tôi được biết người đàn ông dân tộc Mông này từng theo Phỉ chui lủi trong rừng suốt mấy năm trời. Sau này thấy được nhiều đổi thay của bản làng, sự đối xử chân tình của Bộ đội Biên phòng với gia đình mình, năm 2006, Mềnh đã nhận ra sai sót, tự giác trở về với dân bản. Giờ đây gia đình Lầu Vả Mềnh là hộ có cuộc sống ổn định ở bản này.
Trong nhà Mềnh, bếp đã đỏ lửa, vợ và con dâu đang làm bữa tối cho cả gia đình sau một ngày lên rẫy. Không riêng gì Mềnh, mà nhiều người theo phỉ trở về, hiện nay đều có cuộc sống gia đình ổn định. Hiện Đồn Biên phòng Tam Hợp đang phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội của huyện Tương Dương giúp đỡ họ phát triển kinh tế.
Khi màn đêm buông xuống, bên bếp lửa hồng trong một gia đình người Mông của bản Phà Lõm, chúng tôi được các cán bộ Biên phòng và bà con dân bản kể cho nghe câu chuyện về người Bộ đội Biên phòng đồn Tam Hợp đã ngã xuống cho sự bình yên của những bản làng nơi biên giới. Đó là Anh hùng liệt sĩ Và Bá Giải, sinh năm 1975, cán bộ trinh sát của Đồn Biên phòng Tam Hợp, hy sinh năm 2004. Thời gian đã trôi qua, nhưng câu chuyện vẫn còn in đậm trong tâm trí của những người Mông ở vùng biên giới Nghệ An này.
15 giờ, ngày 26-7-2004, trong lúc thực hiện công tác tuần tra biên giới, Tổ công tác do Trung úy Và Bá Giải làm tổ trưởng phát hiện hai đối tượng vai mang ba lô và súng kíp, đang xâm nhập biên giới nước ta tại cột mốc M2. Tổ công tác liền áp sát các đối tượng, yêu cầu xuất trình giấy tờ để kiểm tra, xử lý thì bất ngờ hai tên bỏ chạy.
Biết đây là các đối tượng phỉ, Và Bá Giải bắn chỉ thiên cảnh cáo, cùng với đồng đội đuổi theo dù biết đối tượng có vũ khí nguy hiểm. Khi đuổi đến một khe suối cạn, thì bất ngờ gặp một toán phỉ khác. Bọn chúng điên cuồng chống trả, nhằm thẳng vào Trung úy Và Bá Giải nổ súng. Khi đồng đội kịp tới nơi chi viện, thì bọn phỉ đã tẩu thoát về bên kia biên giới. Và Bá Giải đã hy sinh trên tay đồng đội. Những ngày đó, sự hy sinh của Trung úy Và Bá Giải không chỉ là mất mát lớn của gia đình và lực lượng Bộ đội Biên phòng Nghệ An, mà còn là tin rung động đối với đồng bào dân tộc Mông dọc biên giới Nghệ An. Bởi người con ưu tú của dân tộc mình, đã bị kẻ xấu sát hại...
Trước cổng Đồn Biên phòng Tam Hợp, nơi ngã ba dẫn vào bản Phà Lõm hôm nay, một tấm bia tưởng niệm mang tên Anh hùng Liệt sỹ Và Bá Giải được dựng lên, là nơi ngày ngày đồng đội và nhân dân vùng biên cương đến thắp hương tưởng nhớ anh. Và Bá Giải được Chủ tịch nước truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVTND, tháng 12-2004.
Giờ đây an ninh trật tự xã biên giới Tam Hợp, trong đó có bản Phà Lõm đã thay đổi rất nhiều. Điện lưới quốc gia kéo về tận bản, đường làng, ngõ xóm được bê-tông hóa hoàn toàn, 100% trẻ em được đến trường...
Bản Phà Lõm nhiều năm nay không còn nhẹ dạ cả tin theo phỉ nữa, nhưng nhiệm vụ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và xây dựng đời sống văn hóa cho đồng bào Mông nơi miền biên ải này vẫn còn rất gian nan, khó nhọc.
Rời nhà những người dân bản, chúng tôi ghé vào Trạm xá Quân dân y kết hợp bản Phà Lõm, thuộc đồn Biên phòng Tam Hợp. Đêm đã về khuya, dưới ánh đèn điện, Thiếu tá quân y Trần Xuân Phương vẫn đang mải mê khám bệnh cho đồng bào, thì có một chị bế cháu bé khóc ngật ngưỡng trên tay đến khám bệnh. Tên chị là Vừ Y Chía. Chị cho biết con chị bị đau bụng. Thăm khám cho cháu bé xong cũng là lúc con gà cất tiếng gáy...
Bỏ ống nghe xuống, Thiếu tá Trần Xuân Phương nói: “Đồng bào Mông quen đi rẫy rất sớm và mãi chiều tối mới về, nên thường đến Trạm xá khám chữa bệnh khuya như thế. Còn những trường hợp ốm, tai nạn, thậm chí những ca sinh khó, đồng bào báo mình phải đến tận nhà khám chữa cho đồng bào, kể cả đồng bào bên nước bạn Lào...
Chúng tôi quay về đồn khi các Tổ công tác vận động quần chúng khác của Đồn cũng bắt đầu trở về từ các bản, ai nấy sương ướt đẫm vai. Bên bát nước chè xanh, Thượng tá Đặng Xuân Thanh - Đồn trưởng đồn Biên phòng Tam Hợp chia sẻ: “Bộ đội Biên phòng có nghìn mắt, nghìn tay cũng không thể bảo vệ được biên giới nếu không được nhân dân ủng hộ và cùng tham gia bảo vệ. Chính vì thế chúng tôi xác định để bảo vệ được biên giới thì trước hết phải bảo vệ được nhân dân. Nghĩa là quan hệ máu thịt với nhân dân, giúp đỡ nhân dân có cuộc sống kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng tốt hơn. Và công tác bám sát địa bàn, tăng cường tuyên truyền pháp luật, vận động đồng bào bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan để xây dựng cuộc sống mới là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ đội Biên phòng”.
Tôi chia tay Đồn Biên phòng Tam Hợp khi bình minh vừa ló rạng. Khói bếp nhà ai phảng phất bay, hòa vào những đám sương chưa kịp tan còn đọng lại trên những tán cây rừng.
Buổi sáng miền biên giới thật trong trẻo, yên bình!
Thế Sơn