Hai câu này, tôi đã được nghe một vài người ở trong xóm đọc, song thật ra tôi cũng chẳng để ý gì đến xuất xứ của nó như thế nào. Tình cờ, một hôm tôi đến nhà bà cụ Hiền để khai báo việc khen thưởng theo Nghị định 28/CP cho cụ, cụ có đưa cho tôi xem tờ giấy báo tử người con trai độc nhất là anh Nguyễn Đình Bính, giấy báo tử do Trung đoàn phó Lê Chí Ba ký, trong giấy ghi rõ: “Anh Bính quê thôn An Định, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ tháng 1-1966, kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1971. Trong lúc đoàn xe của anh Bính bị máy bay giặc Mỹ oanh tạc tại Trường Sơn, trung sĩ lái xe Nguyễn Đình Bính đã cùng đồng đội dũng cảm cứu xe, cứu vũ khí và anh đã hi sinh ngày 27-5-1972, phần mộ được an táng tại Mặt trận phía Nam”. Xem xong giấy báo tử, lặng đi giây lát, tôi mới hỏi cụ bà:

  • Cháu nghe nói anh Bính cưới vợ xong lại phải đi chiến đấu ngay, có phải không, thưa cụ?

Cụ bảo tôi:

  • Đúng đấy anh ạ, thật là thương cho nó quá. - Ngừng một chút, cụ kể tiếp: Một lần ở miền Nam ra, xe của cháu bị hỏng nặng, phải đem về khu Láng Hạ, Hà Nội sửa chữa. Trong khi chờ chữa xe, thủ trưởng đơn vị cho cháu tranh thủ về thăm tôi. Ông còn dặn cháu: “Cậu về chuyến này, liệu có cưới được vợ thì nên tổ chức đi, để có người chăm sóc mẹ cậu lúc trái gió trở giời. Mình chỉ giải quyết cho cậu được 5 ngày phép thôi. Cậu phải lên đúng hẹn để kịp chở hàng vào Nam cho đơn vị đấy!”.

Về tới nhà, thấy mẹ ngày một già yếu, lại chỉ có một mình, nên Bính rất thương mẹ. Tối hôm ấy bà con cô bác kéo tới thăm Bính, mọi người cũng khuyên Bính thu xếp cưới vợ. Nghe mọi người nói, anh cũng thấy có lý, song chỉ có 5 ngày phép thì làm sao mẹ con Bính có thể thu xếp được. Nhưng thật không ngờ sự việc lại diễn ra rất mau lẹ. Yến - người yêu của Bính ở cùng xóm, lại là bạn học cũ, nên khá thuận lợi; rồi công việc bàn ra tính vào mất đứt đi ba ngày phép, mãi tới buổi chiều ngày phép thứ năm (tức 19 tháng chạp năm Tân Hợi 1971), nghi lễ tổ chức đám cưới cho vợ chồng Bính mới được diễn ra tại trụ sở UBND xã. Đám cưới đời sống mới, không ăn uống linh đình, cũng chẳng có trống phách xập xình, chỉ có một đại biểu lên công nhận là xong. Đêm ấy, trời mưa phùn lạnh lẽo, mọi người ngồi nói chuyện đến 20 giờ thì ra về, vì ai cũng muốn dành chút thời gian hiếm hoi này cho cặp vợ chồng người lính trẻ. Khi mọi người ra về hết, bà cụ Hiền nhìn vẻ mặt con, bà thấy đôi môi anh mím chặt lại, hai con mắt đỏ hoe, cụ cảm thấy hình như Bính đang phải nén chịu một cái gì đó quá với sức chịu đựng, rồi cụ thấy Bính gục xuống. Cụ đặt tay lên trán con, mới thấy trán nó nóng như có lửa đốt và toàn thân thì run lên cầm cập. Yến cũng ngồi bên chồng, đôi mắt cô chớp chớp, nét mặt đầy lo âu và rồi nước mắt cô bỗng trào ra. Cô vội vàng chạy xuống bếp tìm chiếc xoong, chạy ra vườn kiếm ít lá đun sôi lên xông cho chồng. Mấy bà hàng xóm thấy bên nhà cụ Hiền ồn ào, cũng hớt hải chạy sang, người thì mang dầu xoa, người thì tìm cám rang để đánh cảm cho Bính… Mãi tới gần 3 giờ sáng Bính mới thiếp đi được một lát. Thấy vậy, không ai bảo ai, tất cả lại lặng lẽ ra về.

Lúc này, Yến mới nhẹ nhàng vào nằm bên cạnh chồng. Yến sờ tay lên trán chồng rồi vội vàng giật tay ra. Cô khẽ thốt lên: “Nóng quá!”. Rồi Yến lại đặt tay vào vai chồng, khe khẽ lắc, miệng thì gọi “Anh, anh!... Anh” có thấy bớt chút nào không?”. Bính trở mình, anh quay về phía vợ nói trong hơi thở hổn hển: “Em, em ráng chịu khó”… Nói xong anh cố đặt bàn tay lên má vợ, nhưng anh thấy má Yến lạnh quá. Anh sợ vợ không chịu nổi, toan rút tay lại, thì Yến đã kịp nắm lấy tay anh và ghì chặt tay anh vào lòng, hình như Yến cũng muốn chia cái nóng cùng anh và trao cho anh những giây phút tân hôn tinh khiết nhất!...

Con gà trống bên nhà hàng xóm đã gáy dồn, báo hiệu trời sắp sáng. Bính chợt nhận ra đã sắp đến giờ anh phải trả phép. Bính đứng dậy, đôi chân lảo đảo. Anh nhìn thấy mẹ bưng đến cho anh một bát cháo, bảo:

  • Cháo có đập trứng gà, con ăn để lấy sức.

Anh thương mẹ và Yến nên cố húp được một nửa bát cháo. Ăn rồi, anh dặn mẹ ở nhà ráng cho khoẻ, rồi anh quay sang nhìn Yến với ánh mắt đầy yêu thương như cầu mong Yến hãy thông cảm cho anh, vì anh đã hết phép.

Đêm 19 tháng chạp, đêm cuối năm, đêm tân hôn của người lính trong một cơn sốt rét rừng đầy ác mộng. Đêm ấy cũng là đêm cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Đình Bính được gần mẹ và vợ. Kể từ khi có giấy báo tử, Yến chịu tang trồng 10 năm, sau Yến xin phép mẹ chồng “đi bước nữa”. Chồng mới của Yến quê ở làng bên, hai vợ chồng vẫn thường xuyên về thăm hỏi, trông nom cụ Hiền.

NGUYỄN NGỌC THƯỜNG