Rồi một tiếng gọi quen thuộc, rất khẽ cất lên: "Tư à! Anh về với em đây". Tôi như quên hết mọi thứ trên đời, ào đến anh như một cơn lốc. Đó là một đêm tuyệt diệu, cả anh và tôi đều như ruộng hạn gặp mưa rào… Chúng tôi ở bên nhau nồng nàn, vội vã, lo âu, khắc khoải, hạnh phúc… Khoảng thời gian đâu chừng hai tiếng đồng hồ, rồi anh đi.

Một thời gian sau, tôi hạnh phúc trào nước mắt khi biết một mầm sống đang cựa mình lớn dần trong bụng. 9 tháng sau cái đêm hôm ấy, vào ngày 20-12-1966, tôi sinh con trai đầu lòng và đặt tên con là Nguyễn Thanh Liêm. Tôi mong muốn con trai tôi sẽ như ba nó, anh dũng, thanh cao và liêm khiết. Niềm hạnh phúc được làm mẹ vừa đến thì cũng là lúc tôi bước vào cơn bĩ cực không biết san sẻ cùng ai. Sau cái đêm hôm ấy, anh đi biền biệt, không một dòng tin tức. Tôi biết anh đang bước vào giai đoạn cam go, nhiệm vụ của anh hết sức nặng nề và nguy hiểm. Nhiều lúc tôi chợt nghĩ dại, hay là anh đã hi sinh? Sức ép kinh khủng đầu tiên mà tôi phải gánh chịu là mang tiếng xấu: gái chửa hoang. Ngày ấy tôi và anh lấy nhau, chỉ có ba mẹ tôi và rất ít các đồng chí lãnh đạo trong đơn vị của anh và tôi biết. Tôi làm giao liên, còn anh hoạt động bí mật trong mạng lưới tình báo.

Thế nên mặc dù tôi là gái đã có chồng, nhưng trên thực tế, tôi vẫn là một cô gái còn son, con nhà lành. Tôi có nhan sắc, nhà lại ở gần trại lính và đồn cảnh sát nên không ít viên sĩ quan, cả cấp cao và đám sĩ quan làng nhàng đều lấy tôi làm mục tiêu săn đuổi. Tán tỉnh, thuyết phục không được, chúng lập mưu giở trò. Nhiều lần viên sĩ quan đồn trưởng cảnh sát sau khi nhậu ngà ngà lại kiếm cớ đến nhà tôi vào ban đêm, nhưng tôi kiên quyết khước từ. Việc tôi "chửa hoang" không chỉ khiến bà con họ hàng gièm pha, mai mỉa mà nguy hiểm hơn là cảnh sát Sài Gòn đã đưa tôi vào diện nghi vấn và gia đình tôi là "sân sau" của Việt cộng. Tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần nên trước sau gì cũng chỉ nói: tôi bị lừa tình. Khi tình hình tạm yên, tôi lấy lý do vô nội thành Sài Gòn làm tiệm may để mở rộng mạng lưới giao liên hoạt động, đồng thời tìm tin tức của anh, nhưng tất cả đều như "bóng chim tăm cá". Mãi đến năm 1969, tôi mới có được chút manh mối, rằng anh đã bị địch bắt và đang bị giam giữ tại nhà tù Hố Nai. Kế hoạch đến nhà tù Hố Nai thăm anh được tôi và má tôi vạch ra rất tỉ mỉ dưới sự tư vấn của một vài đồng chí thân cận. Má tôi làm một cái giấy, xin xác nhận của chính quyền địa phương đến nhà tù Hố Nai thăm một đứa cháu mồ côi, không hiểu vì sao lại bị bắt vào đó. Tờ giấy xác nhận ấy giúp hai má con tôi lọt qua được cánh cổng sắt nhà tù có đến mấy tầng lính gác để vào khu biệt giam thăm anh. Khi cánh cửa buồng giam mở ra, tôi nhìn thấy hai tên gác ngục khiêng cáng đưa một người tù đã bị cụt hai chân đến quá phần đùi, dáng người khô đét như que củi đi ra. Tôi bàng hoàng nhắm nghiền mắt và cầu trời khấn phật đó không phải là anh. Rằng, chúng đã nhầm người. Một… hai…ba… bước chân của hai tên gác ngục mỗi lúc một gần. Khi nghe một tiếng "sịch", cái cáng đã được tụi nó khiêng đến, tôi mới mở mắt he hé nhìn qua kẽ tay. Trời đất ơi! Sao lại thế này? Tôi chỉ kịp nấc lên một tiếng rồi ngã lăn ra đất, bất tỉnh.

Sau này, nghe má tôi và anh kể lại thì ngay lúc đó, tụi lính sinh nghi nên hỏi dồn: "Sao vậy? Chuyện gì vậy"? Má tôi nhanh trí kêu to: "Hai ơi Hai, dì đây con. Sao con ra nông nỗi này hả con? Mười mấy năm qua con bỏ đi đâu? Hôm nay biết tin con bị giam ở đây, dì dẫn bé Tư đến thăm con. Nó thấy con như vầy, nó xỉu luôn rồi nè". Viên sĩ quan đứng cạnh đó hất hàm hỏi anh: "Họ là thế nào với anh"? Anh cũng nhanh trí đáp: "Hai mẹ con bà dì họ. Lâu lắm rồi không gặp, không hiểu sao họ biết tôi ở đây mà tìm. Tôi có còn ai thân thích nữa đâu".

Tôi tỉnh dậy khi đã được cấp cứu. Trở về nhà, lòng đau như cắt. Dẫu đã xác định từ đầu, dấn thân vào con đường cách mạng là phải chấp nhận sự hi sinh, tù đày, nhưng gặp lại anh trong hoàn cảnh ấy, tôi không thể cầm lòng. Con người vạm vỡ, võ nghệ cao cường của anh ngày nào giờ chỉ còn da bọc xương, thương tích đầy mình, hai chân bị cụt. Về sau tôi mới biết, anh bị địch bắt sau cái đêm hôm ấy không lâu trong một lần đi hoạt động bị lộ. Địch sử dụng cả trực thăng đổ quân để bao vây anh trên một cánh đồng gần Thủ Dầu Một. Anh bình tĩnh, mưu trí phi tang tài liệu và chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, tiêu diệt cả chục tên địch trước khi bị bắt. Chúng đã áp dụng mọi thủ đoạn dùng tiền mua chuộc, lấy gái đẹp dụ dỗ rồi đến tra tấn cực hình dã man. Đôi chân anh đã bị chúng cưa đến 6 lần nhưng anh không hề hé răng khai báo.

Mặc dù bị sốc nặng nhưng tôi đã nhanh chóng lấy lại thăng bằng. Tôi dành tất cả tình thương yêu chăm sóc cho con và chờ đợi ngày anh trở về. Năm 1973, sau hiệp định trao trả tù binh, anh được chuyển về Lộc Ninh. Đó cũng là ngày đầu tiên vợ chồng, cha con đoàn tụ sau bao nhiêu mất mát, hi sinh, nụ cười chan đầy nước mắt. Dù thương tật đầy mình nhưng anh vẫn sống trở về. Với tôi, đó là một niềm hạnh phúc quá lớn lao…

Bài và ảnh: Hà Tuệ

(Ghi theo lời kể của bà Trần Thị Em, vợ Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Thương)