Vừa qua, tại Hà Nội, trong buổi tọa đàm về cải tạo cầu Long Biên do Hội quy hoạch đô thị VN tổ chức, bà Nguyễn Nga, kiến trúc sư quy hoạch đô thị Paris, đã trình bày đề án quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát triển cầu Long Biên.

Trong tương lai, cầu Long Biên mới sẽ được xây dựng để phục vụ giao thông đường sắt, cây cầu già cỗi hiện nay có thể bị phá hủy. Vì vậy, KTS Nga muốn biến cầu thành bảo tàng lịch sử cận đại dài nhất trên thế giới. Để thực hiện ý tưởng này, cầu sẽ được nâng thêm 3 mét để cho tàu thuyền dễ dàng đi lại, gắn pháo trên những nhịp cũ để giữ lại ký ức một thời hào hùng của dân tộc.

Theo bà Nga, đường ray ở chính giữa trở thành một không gian mới dành riêng cho những hoạt động văn hóa sáng tạo. Những không gian tách biệt, có hoặc không có mái che, cho phép tổ chức các sự kiện ngắn hoặc dài ngày. Cây xanh và đèn đường sẽ được trồng hai bên, tạo ra con đường đi bộ thơ mộng.

Điểm nhấn của dự án chính là bãi giữa sông Hồng sẽ được cải tạo, đắp cao và kè bờ để quy hoạch thành “Công viên nghệ thuật” với vườn sinh vật tự nhiên và nhân tạo, vườn hoa đào, hoa hồng; những kios âm nhạc, khu nghỉ mát có mái che và ghế ngồi, đường đi xe đạp, sân trượt patin, tường leo núi… Riêng phần mũi bãi giữa được quy hoạch thành khu trồng dâu, tạo không gian cho những làng nghề dệt lụa.

Cũng theo KTS Nguyễn Nga, tại bờ phải của sông Hồng (phía Long Biên) - nơi còn 2,5 ha đất bỏ trống đang bị dùng làm chỗ đóng than tổ ong - dự định xây Tháp Sen Bảo tàng Nghệ thuật đương đại.

Bảo tàng Nghệ thuật đương đại có hình dáng của bông sen đang hé nở - loài hoa được đề cử là quốc hoa của Việt Nam - được làm bằng kim loại và gỗ. Đây sẽ là nơi giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật đương đại, công nghệ mới của Việt Nam và quốc tế. Ngoài những triển lãm ngắn ngày và cố định, bảo tàng còn là không gian văn hóa dành cho du khách, với thư viện, phòng hòa nhạc, café, nhà hàng. Và ở tầng thượng (tầng 9) sẽ là một không gian mở nhìn ra toàn cảnh Hà Nội, với những kính viễn vọng quan sát thiên văn.

Tuy vậy, ngay sau khi đề án này được đưa ra đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều chuyên gia cũng như người dân cho rằng cây cầu này là một phần lịch sử của Hà Nội và không nên biến nó thành một cây cầu “chết”.

Quỳnh Anh (TH)