Cậu bé cứ suốt ngày thui thủi, lê la quanh bờ ao góc vườn, học hành… chẳng đâu vào đâu; chỉ tài bắt dế thả diều, bắn chim, bẫy chuột… lớn lên, ông kiếm được việc làm thật khó. Chuỗi ngày thất nghiệp kéo dài, Tô Hoài lang thang, đói khát, buồn cho phận mình; may có vốn chữ nghĩa xoay ra viết văn, làm báo từ những năm 30 của thế kỷ XX. Bằng cặp mắt tò mò, hóm hỉnh, ông viết đủ cả truyện ngắn, truyện dài, truyện trẻ con, dựng chân dung văn học, làm thơ, viết kịch bản phim và cả vẽ tranh. Hơn 70 năm cầm bút, đến nay ông đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm đủ loại. Đã 91 tuổi, dáng vóc ông vẫn phương phi, hồng hào, tóc bạc phơ, nụ cười hóm hỉnh hiền từ, sức viết, ngọn bút vẫn dẻo dai, bền bỉ. Gần đây ông quay ra viết hồi kí, tự truyện, được mọi người đánh giá cao về tính trung thực của cuộc đời đã chứng kiến sự kiện, sự việc trải qua để phản ánh với một góc nhìn mới, thấu đáo hơn. Ngoài thời gian, ông vẫn dành để viết cho thiếu nhi, bởi ông yêu quí tâm hồn tuổi thơ tươi mới như là thế giới thần tiên của mình…
Trong các tác phẩm viết cho thiếu nhi như: “O chuột”, “Đám cưới chuột”, “Dế mèn phiêu lưu ký”… thì “Dế mèn phiêu lưu ký” vẫn là tác phẩm nổi tiếng thế giới, giành một trong 6 kỷ lục xuất bản ở Việt Nam, được dịch ra 15 ngôn ngữ: Nga, Đức, Hàn Quốc, Nhật… với lối viết tài hoa, nhà văn Tô Hoài từ những năm 60 của thế kỷ XX được viện Hàn lâm khoa học Cộng hoà dân chủ Đức (cũ) tặng danh hiệu cao quý: “Viện sĩ danh dự”. Quan sát tỉ mỉ đến thế để viết về loài vật một cách sinh động. Ấy thế mà ông cũng bị mắc lỗi với một em bé ở Nga. Một lần, giao lưu kể chuyện một cách say sưa vứi các em nhỏ ở Nga về loài vật thì đột nhiên có một bé trai bạo dạn đứng lên nói:
- Thưa bác! Chúng cháu đã đọc sách của bác. Chúng cháu cũng chơi chọi dế, đúc dế như các bạn Việt Nam. Nhưng dế của chúng cháu có răng màu nâu. Cháu hỏi bác, chả lẽ dế ở Việt Nam răng trắng, còn dế ở Nga lại răng nâu?
Tô Hoài “hoảng” quá, cứ ngượng mãi đành phải cười đánh bài dàn hoà. Thật ra lúc viết ông cũng không để ý đến màu răng của dế. Cứ nghĩ rằng: “Răng người trắng thì răng dế nó cũng... trắng” thế thôi!
Về nước, ông lùng sục bắt bằng được dế, bắt “há” miệng xem răng thì “eo ơi”… răng của nó có màu nâu thật. Đây là bài học cho sự sơ suất trong lúc không quan sát kỹ để viết!
Nguyễn Việt Tiến
(Biên soạn)