Trung tâm Giáo dục QPAN Đại học Quốc gia T.P Hồ Chí Minh huấn luyện quân sự cho sinh viên.
Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế phức tạp như hiện nay, quốc phòng - an ninh (QPAN) ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự ổn định, phát triển của đất nước. Bởi vậy việc xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục QPAN là nhiệm vụ cấp thiết, nhất là với đối tượng học sinh, sinh viên. Để hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Báo CCB Việt Nam thực hiện cuộc phỏng vấn Trung tướng Phạm Quang Ngân - Cục trưởng cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam về tầm quan trọng và quá trình thực hiện Đề án quy hoạch hệ thống trung tâm Giáo dục QPAN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
PV: Thưa đồng chí Cục trưởng, đến nay Đề án Quy hoạch hệ thống Trung tâm Giáo dục QPAN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã và đang được triển khai như thế nào?
Trung tướng Phạm Quang Ngân: Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm Giáo dục quốc phòng an ninh, cơ quan thường trực đang tham mưu để triển khai thực hiện. Hiện đang rà soát lại tất cả 46 trung tâm, tham mưu để Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành quyết định điều kiện tổ chức, thành lập và hoạt động của Trung tâm Giáo dục QPAN.
PV: Theo Đề án Quy hoạch này thì khi thành lập Trung tâm Giáo dục QPAN cần phải đáp ứng những điều kiện như thế nào, thưa đồng chí?
Trung tướng Phạm Quang Ngân: Điều kiện để thành lập Trung tâm Giáo dục QPAN là: Thứ nhất, đối với các nhà trường quân đội, các trường đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân phải có điều kiện về cơ sở vật chất. Ví dụ như giảng đường học tập trung, thao trường huấn luyện các nội dung về chiến thuật, kỹ thuật, điều lệnh; hoạt động tập thể, có khu vực quản lý ký túc xá, để duy trì thực hiện chế độ và môi trường quân sự cho học sinh, sinh viên. Đây là những điều kiện rất quan trọng để quản lý tập trung các em học sinh, sinh viên dần làm quen với môi trường quân sự và nếp sống quân sự, môi trường Quân đội và nếp sống quân nhân. Đây là nội dung rất quan trọng, vì quá trình học tập trong 1 tháng, các em sẽ thực hiện đầy đủ các nội dung tương tự như là chiến sĩ mới của Quân đội.
PV: Đề nghị Cục trưởng cho biết về vấn đề giáo viên, giảng viên của các trung tâm này được tuyển chọn từ các nguồn nào?
Trung tướng Phạm Quang Ngân: Về vấn đề giáo viên: Thứ nhất là, mỗi trung tâm đều có sĩ quan biệt phái của Bộ Quốc phòng, lấy từ các đơn vị cử ra để thực hiện nhiệm vụ đó theo Nghị định 65 của Chính phủ. Thứ hai là, giáo viên được đào tạo ở các trường đại học được mở mã ngành giáo viên giảng dạy môn giáo dục QPAN. Thứ ba là, các trường, các trung tâm sẽ thỉnh giảng một số những đồng chí giáo viên của các Trường Quân đội, hoặc là các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn có thể là thỉnh giảng, để tham gia một số nội dung cần thiết.
PV: Mục tiêu của Đề án này đặt ra là gì, thưa đồng chí Cục trưởng?
Trung tướng Phạm Quang Ngân: Chúng tôi xác định là mục tiêu để thực hiện môn học giáo dục QPAN, trước hết, đây là một môn bắt buộc trong chương trình đào tạo của học sinh, sinh viên. Hai là, với diễn biến của tình hình hiện nay cũng có rất nhiều những phức tạp. Đặc biệt là sự chống phá của các thế lực thù địch tập trung vào thế hệ trẻ. Cho nên chúng tôi đã căn cứ vào Luật Giáo dục QPAN; căn cứ vào điều kiện thực tế và yêu cầu nhiệm vụ, là cơ quan thường trực, chúng tôi phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ LĐTBXH để xây dựng quy hoạch này. Và để tham mưu tổ chức thực hiện, phấn đấu đến năm 2030, sinh viên các trường đại học trên phạm vi toàn quốc sẽ được học tập tại các Trung tâm Giáo dục QPAN.
PV: Một số cơ sở giáo dục đào tạo chưa có Trung tâm Giáo dục QPAN thì việc dạy và học môn học này được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Trung tướng Phạm Quang Ngân: Hiện nay, một số nơi chưa có trung tâm thì các trường được phép tự giảng dạy môn học này. Nhưng vẫn phải có đủ điều kiện về giảng viên, giáo viên. Thứ hai, là phải có điều kiện cơ sở vật chất như tôi đã trao đổi phần trên. Thứ ba, một số trường được phép giảng dạy môn này theo quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Hội đồng Giáo dục QPAN T.Ư, thì cũng được phép giảng dạy môn này. Nhưng phải bảo đảm đầy đủ các yếu tố nêu ở trên. Đồng thời, một số trường cũng được tăng cường sĩ quan biệt phái để làm nòng cốt.
PV: Khi tiến hành khảo sát và triển khai Đề án Quy hoạch hệ thống Trung tâm Giáo dục QPAN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì sự vào cuộc, đồng thuận của các địa phương cũng như các Bộ, ngành T.Ư như thế nào, thưa đồng chí?
Trung tướng Phạm Quang Ngân: Đây là một vấn đề mà các nhà trường rất là quan tâm và ủng hộ, kể cả các Bộ, ngành và các địa phương. Đối với các địa phương thì tạo điều kiện về mặt quỹ đất. Đối với các Bộ, ngành thì tạo điều kiện về chỉ đạo các trường để kiện toàn bộ máy tổ chức để thành lập các Trung tâm Giáo dục QPAN.
PV: Với những Trung tâm Giáo dục QPAN đã được thành lập, theo Đề án Quy hoạch mới này thì cũng phải điều chỉnh cho phù hợp với những tiêu chí của Đề án, thưa đồng chí?
Trung tướng Phạm Quang Ngân: Các trung tâm được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành từ năm 2013, sau khi chấn chỉnh tổ chức đã điều chỉnh lại các trung tâm cho phù hợp. Chúng tôi đã nghiên cứu quy hoạch lại một cách bài bản trên phạm vi toàn quốc. Còn nội dung quy hoạch của các trung tâm này thì theo bố trí của hệ thống giáo dục quốc dân của các trường đại học. Thứ hai là quy hoạch theo phát triển dân cư và các vùng phát triển kinh tế của T.Ư và địa phương.
PV: Xin cảm ơn Trung tướng Phạm Quang Ngân.
Trường Giang (thực hiện)