Ðây là điều đáng mừng, là tiền đề quan trọng để hoàn thành kế hoạch năm trong bối cảnh, năm 2013, chúng ta quyết tâm hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội với các chỉ tiêu cao hơn năm 2012, trong khi kinh tế trong nước vẫn đang phải đối mặt những khó khăn, thách thức to lớn ngay từ đầu năm. Mới đây, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (theo năm gốc so sánh năm 2010) tháng 1 tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước nhưng lại giảm 3,2% so với tháng 12-2012. Hơn nữa, theo quy luật hằng năm, cứ vào tháng Tết, nhất là năm nay kỳ nghỉ Tết kéo dài tới chín ngày, sản xuất công nghiệp thường giảm sút hơn so các tháng khác.
Ðể đẩy mạnh sản xuất công nghiệp ngay từ những ngày đầu Xuân mới, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp (DN) cần khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước, củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất nhằm giải quyết hàng tồn kho và thúc đẩy sản xuất; chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN; tiếp tục đẩy mạnh cải tiến công nghệ, sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được để giảm chi phí, đặc biệt là sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên nhằm tăng hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm nhập siêu. Các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để đưa các công trình, nhà máy vào vận hành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Tập trung kiềm chế lạm phát, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để chủ động và linh hoạt trong điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường, bình ổn giá kể cả thời điểm sau Tết Nguyên đán; thực hiện các chính sách kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng xa xỉ, góp phần kiềm chế nhập siêu; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại và mậu dịch biên giới; kiểm tra, xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu, an sinh xã hội.
Tích cực và chủ động đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nhất là xúc tiến thương mại biên giới, hải đảo. Theo dõi sát sao, cập nhật tình hình diễn biến giá cả, tiến độ xuất khẩu các mặt hàng, những biến động của thị trường thế giới để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất hàng xuất khẩu và DN xuất khẩu về vốn, thị trường, thủ tục... góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu.
Theo NDĐT
(TH)