Virut Zika là gì?
Theo thạc sĩ, bác sĩ Phạm Hồng Thái-Trưởng khoa Vi sinh, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An thì đây là một loại virut lây truyền do loài muỗi Aedes-loại muỗi truyền sốt xuất huyết và sốt vàng da. Khi muỗi hút máu người hay động vật bị nhiễm virut Zika, virut sẽ nhân lên trong cơ thể muỗi và ủ bệnh sau 10 ngày có thể lây truyền virut cho người hoặc động vật khác. Một cá thể muỗi nhiễm virut Zika có thể truyền virut cho các thế hệ muỗi con cháu.
Ngoài lây truyền qua muỗi đốt là con đường chủ yếu, virut Zika còn lây truyền từ mẹ sang thai nhi, lây truyền qua quan hệ tình dục.
Biến chứng hay gặp nhất ở virut Zika là tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh do người mẹ bị nhiễm virut trong quá trình mang thai. Biến chứng thứ hai là gây hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh, gây ra hiện tượng yếu cơ ở tay và chân, ngứa ran ở tay, chân. Hiện chưa có vắc xin phòng virut Zika và cũng chưa có thuốc đặc hiệu điều trị.
Dấu hiệu nhận biết nhiễm bệnh virut Zika
Hầu hết các ca nhiễm virut Zika giai đoạn đầu đều không có biểu hiện rõ ràng nên rất khó nhận biết. Thời gian ủ bệnh khoảng 2-12 ngày sau khi bị muỗi đốt. Khoảng 75-80% số bệnh nhân bị nhiễm virut Zika không có biểu hiện lâm sàng. Các bệnh nhân có biểu hiện bệnh thường nhẹ.
Bác sĩ Phạm Hồng Thái cho biết: Bệnh nhân thường khởi phát cấp tính với các biểu hiện sốt nhẹ (37,8 đến 38,5 độ C), mệt mỏi, mọc ban trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân, viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược. Một số ít bệnh nhân có thể đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa. Cần chỉ định theo dõi siêu âm thai đối với phụ nữ có thai nghi nhiễm virut Zika để có thể phát hiện biến chứng thai nhi đầu nhỏ. Nếu bạn có những biểu hiện bệnh này sau khi tiếp xúc với khu vực bùng phát virut thì nên đến gặp bác sĩ và thực hiện xét nghiệm.
Cách phòng tránh virut Zika
Hiện virut Zika vẫn chưa có vắc xin và thuốc đặc trị. WHO cho biết đang từng bước phát triển một loại vắc xin. Tuy nhiên, loại vắc xin phòng bệnh chưa hoàn thiện trong năm nay. Vì vậy, cách phòng ngừa tốt nhất là tránh bị muỗi đốt. Biện pháp hạn chế muỗi sinh sôi và phòng tránh muỗi đốt:
- Mắc màn khi đi ngủ
- Tiêu diệt ấu trùng muỗi bằng sản phẩm chuyên dụng không độc hại nếu nhà bạn có giếng nước hoặc tích trữ nước mưa
- Khoan lỗ trong thùng rác để tránh đọng nước.
- Thường xuyên lau chùi và dọn dẹp các bình chứa nước ngoài trời ít nhất 1 lần/tuần
- Muỗi Aedes thích hút máu ở khu vực đầu gối, khuỷu tay, do vậy bạn nên mặc quần áo dài và đi tất.
- Sử dụng thuốc chống muỗi, hay mặc quần áo sáng màu để tránh bị muỗi đốt bởi muỗi bị thu hút bởi các màu tối
- Hạn chế đi lại trong vùng đang có dịch virut Zika
Thành An