Theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH), năm 2010, năm đầu tiên triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, cả nước đã hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 300.000 lao động nông thôn, trong đó khoảng 40% là các lớp dạy nghề nông nghiệp. Điểm đáng lưu ý là, Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ LĐTBXH xây dựng xong danh mục các nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho lao động nông thôn. Bộ NNPTNT cho biết, năm 2010, Bộ và các bộ, ngành liên quan đã lựa chọn danh mục 25 nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp nghề để xây dựng chương trình tài liệu, đồng thời thành lập ban chủ nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện cho 25 chương trình đó và danh mục 16 nghề để chỉnh sửa. Trong năm 2010, đã thành lập 41 hội đồng nghiệm thu chương trình, giáo trình dạy nghề nông nghiệp. Hiện các ban chủ nhiệm đang tiến hành xây dựng tài liệu theo quy định của Bộ LĐTBXH về ban hành chương trình, tài liệu trình độ sơ cấp nghề; dự kiến sẽ nghiệm thu, phân tích chậm nhất vào tháng 4-2011.
Đối với Đề án cấp thẻ học nghề nông nghiệp, đến nay đã có 62 đơn vị thuộc 20 tỉnh, thành phố đăng ký đào tạo 85 nghề với 638 lớp cho 12.885 lao động nông thôn; dự kiến năm 2011 kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm được phân bổ là 1.000 tỷ đồng, hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 800 nghìn lao động nông thôn, đặc biệt đảm bảo ít nhất 70% có việc làm sau đào tạo. Hiện 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập ban chỉ đạo đề án và chọn huyện điểm, xã điểm để chỉ đạo triển khai, bảo đảm mục tiêu gắn chặt nhu cầu học nghề với giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động và tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Vấn đề hiện nay là các địa phương cần gắn chặt chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Khó nhất hiện nay là tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân và chuyển dịch cơ cấu cây trồng sẽ được giải quyết nếu nông dân có nghề và phát triển được nghề đã học. Thực hiện “Thí điểm mô hình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn tại 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới”, Trung tâm khuyến nông quốc gia đã đến 11 xã điểm, phối hợp với 11 trung tâm khuyến nông các tỉnh, khuyến nông viên các xã và UBND 11 xã điểm để đánh giá nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trên cơ sở đó xác định các nội dung đào tạo nghề thí điểm tại 11 xã điểm nông thôn mới. Năm 2010, Trung tâm khuyến nông quốc gia đã đầu tư gần 2 tỷ đồng tổ chức 33 lớp đào tạo nghề tại 11 xã điểm này.
Tuy nhiên, để đào tạo nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả, cần triển khai các hoạt động điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng nhân lực qua lao động đào tạo nghề trong các ngành, các vùng kinh tế và từng địa phương; qua đó có thể biết cần đào tạo những nghề gì và trình độ nào; tránh đào tạo tràn lan, không hiệu quả.
Bài và ảnh: Đào Huyền