Hàng ngàn hộ gia đình sống dưới chân dãy đại ngàn Bảo Đài được nhận đất, nhận rừng để canh tác những cũng chỉ là trồng ngô, trồng sắn, theo kiểu làm ăn nhỏ lẻ, chưa thoát ra được cảnh nghèo đói! Vậy mà có một nông dân, một CCB tuổi đời đã ngoại lục tuần: Nguyễn Minh Phiên đã nhiều ngày đêm trăn trở với rừng; ông đã quyết định tạm biệt phố làng, quăng mình lên đại ngàn Bảo Đài để chinh phục kho báu. Ông quê thôn Đại Từ, xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Đầu năm 1996, ông mua của CCB Tạ Đình Đài 4ha đất đồi trồng vải thiều. Đến năm 1997, ông lại mua tiếp 4ha của ông Tấn. Thế là trong tay ông đã có 8ha rừng vải thiều bắt đầu cho thu hoạch. Đúng vào thời điểm vải thiều có giá, nên mỗi năm ông thu được hàng trăm triệu đồng; trong vòng 5 năm, ông thu từ vải thiều được khoảng 500 triệu đồng. Số tiền này ông trích một phần mua phân bón, thuộc trừ sâu, còn lại ông mua tiếp đất rừng.
Từ năm 2002 trở lại đây, vải thiều mất giá người nông dân lại một phen điêu đứng về cây vải thiều; nhiều gia đình đã phải bán đất canh tác, hoặc phá vải thiều để trồng hồng, trồng na. Ông Phiên lại một phen mất ngủ, nhiều đêm trằn trọc, suy nghĩ, nếu trồng hồng, trồng na cũng chỉ là giải pháp tình thế. Vì cây hồng, cây na chưa phải là thế mạnh nên ông đã quyết định lấy phương pháp trồng cây công nghiệp để phủ xanh đồi trọc và phòng hộ đầu nguồn; lại không lo đầu ra. Ông đã đi liên hệ với các lâm trường xin mua cây giống. Lâm trường Lục Nam đã tin tưởng vào dự án của ông nên đã cung cấp toàn bộ giống cây trồng cho ông. Cũng đúng vào thời điểm đó, Nhà nước lại có thông tư về dự án PAM, hỗ trợ cho người làm rừng. Toàn bộ gạo ăn cho công nhân đều do PAM hỗ trợ. Ông triển khai vừa trồng keo, bạch đàn và lát hoa, lát Mê-hi-cô; phần đất dưới chân đồi, ông cho trồng hoa Hibicus, một loại hoa dùng làm thuốc nam, trà uống và còn xuất sang châu Âu làm rượu vang. Ông đã có trụ sở đăng ký nhãn hiệu trà Hibicus tại Hà Nội, do con trai ông đứng tên. Trong vòng 3 năm, ông thu từ loại hoa này hơn 200 triệu đồng. Từ năm 2007, do tư thương ép giá từ 30.000 đồng/kg, nay chỉ còn 7-8.000 đồng/kg, nên ông không đầu tư nữa. Ông cử những công nhân có tâm huyết với rừng, gửi lên các lâm trường học kỹ thuật trồng cây, cách chăm bón và tu bổ rừng. Bản thân ông đi học hỏi cách làm mô hình trang trại, thay đổi vật nuôi, cây trồng từ các tỉnh bạn. nhờ vậy nên 100ha keo và bạch đàn, 8ha rừng dẻ, hàng nghìn cây gỗ quý như: Lát hoa, lát chun và lát Mê-hi-cô đang thời kỳ phát triển.
Ngồi trò chuyện với vợ chồng ông, tôi hỏi: “Sao người ta thi nhau làm nhà ra mặt đường, còn ông bà lại dời nhà vào núi?”. Ông bà cười và nói: “Số phận mà (cười); nói cho vui chứ mỗi người đều có một quan điểm riêng, và cũng còn do điều kiện kinh tế. Vợ chồng tôi đông con, lại phụ thuộc vào toàn bộ nông nghiệp, nếu cứ quanh quẩn với một mẫu ruộng, năm cấy hai vụ lúa, thì không biết bao giờ mới mở mày mở mặt! Khi vợ chồng tôi từ làng vào rừng buồn lắm chứ; tối đến điện không có, thắp đèn dầu, ngồi nghe đài pin, đêm khuya nằm nghe gió hú, vậy mà lâu cũng thành quen; quen rồi thấy vui. Mô hình du lịch sinh thái tôi ấp ủ từ lâu rồi, nhưng cũng chỉ mới hoạt động theo dạng “mini” du lịch gia đình. Hiện nay tôi đang kêu gọi đầu tư, tôi muốn cùng với Nhà nước đầu tư xây dựng khu Hồ - Am và đại ngàn Bảo Đài này thành khu du lịch có tầm cỡ như Vua Bà, Suối Tiên của Hà Tây (cũ). Hiện nay tôi có 10 lợn rừng nái, chủ yếu là để nhân giống, chứ còn thịt thì giá thành thấp rẻ, dân mình còn nghèo chưa dám dùng, chỉ phụ vụ khách du lịch”. Ông dẫn chúng tôi đi tham quan khu rừng đồi của ông; tận mắt được chứng kiến khu rừng keo, rừng dẻ, rồi hồ trên núi, còn hồ trên đỉnh đại ngàn nước trong xanh, chảy tự nhiên từ mạch rừng và khe đá ra. Ông lắp đường ống dẫn xuống các khu nhà để sinh hoạt. Điều đáng quý là bốn mùa không bao giờ cạn kiệt.
Tôi thấy ông có được một trang trại quy mô như thế này, chắc ông phải bỏ ra rất nhiều công của. Hiện nay, nguồn thu chính của ông từ bán gia súc, gia cầm, cá thả, cây ăn quả chủ yếu là vải thiều, dứa KaiEm, na, hồng, và bán gỗ chống lò cho các mỏ than. Đã có nhiều công ty khai thác than từ Quảng Ninh đến liên hệ hợp đồng cung cấp gỗ chống lò cho họ. Đứng ngắm những rừng cây, những hồ nước, khu nuôi gia súc, tôi rất khâm phục; quả ông là một nông dân, một CCB có tầm nhìn xa, đáng trân trọng. Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Đặc biệt, rừng cây của ông còn đóng góp một phần đáng kể vào dự án phủ xanh đồi trọc và phòng hộ đầu nguồn của Nhà nước, tạo cho môi trường thiên nhiên trong lành cả một vùng đông bắc của tỉnh Bắc Giang.
Bài và ảnh: Ánh Phê