Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dân số nước ta hiện đứng hàng thứ 13 trên thế giới, xấp xỉ 87 triệu người. Dân số Việt Nam tiếp tục tăng, với mức tăng hơn 1 triệu người/năm, tương đương với dân số của một tỉnh trung bình.

Mặc dù dân số nước ta đang ở mức cao so với nhiều quốc gia trên thế giới nhưng đáng mừng, Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” và sẽ kéo dài tới năm 2040. Thời kỳ dân số “vàng” đồng nghĩa với việc số người trong độ tuổi lao động của chúng ta tăng mạnh, giúp đất nước có nguồn lao động trẻ dồi dào, tạo đà để phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt là giai đoạn then chốt từ năm 2011-2020, khi nước ta đặt mục tiêu xếp vào hàng các nước có thu nhập trung bình.

Thời kỳ dân số vàng được đánh giá là rất tích cực nhưng thực tế cho thấy, hiện nay, dân số nước ta vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Trong đó trở ngại, thách thức lớn nhất là chất lượng dân số, đây là những chỉ số phản ánh tình trạng thể chất, trí tuệ và tinh thần của cộng đồng dân cư.

Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã tăng lên 72,8 năm, đứng thứ 58/177 nước, nhưng đáng buồn là tuổi trung bình khỏe mạnh chỉ là 66 tuổi, xếp thứ 116/177 nước trên thế giới. Các chỉ số về thể lực như chiều cao, cân nặng, sức bền, suy dinh dưỡng… của người dân và trẻ em nước ta vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực.

Theo cảnh báo của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc, chất lượng dân số thấp đang là yếu tố cản trở sự phát triển và đặt Việt Nam trước nguy cơ tụt hậu. Do đó, nâng cao chất lượng dân số là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng và quốc gia. Để đạt được điều đó, đòi hỏi cần có những giải pháp đồng bộ, chiến lược, sự nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Quỳnh Anh (TH)