Sau khi ổn định công việc bước đầu ở Tỉnh đội, tôi gặp anh Hoàng Văn Diệm - Chủ tịch UBKCHC tỉnh, báo cáo kế hoạch xuống các huyện chỉ đạo công tác huấn luyện quân sự, chuẩn bị cho việc triệu tập Hội nghị dân quân toàn tỉnh vào đầu năm 1948. Đã biết chuyện riêng của tôi, nên anh Diệm nhắc tôi lần này về Quảng Trạch kết hợp tính luôn chuyện gia đình. Tôi cảm ơn và hỏi đùa anh:

  • Năm nay em mới 24 cái lá vàng rơi, anh thấy em già lắm rồi sao?
  • Tuổi chưa già, nhưng tình đã chín. Lo xong việc riêng để tập trung cho việc chung cũng cần thiết - anh Diệm vui vẻ nói.
    Nhân anh Diệm gợi ý, tôi trình bày ý định lần này về quê, nếu bác Nghè Cơ và Lan đồng ý, tôi sẽ đưa cô ấy lên công tác ở Tỉnh đội (Lan đang công tác ở Bệnh xá của huyện). Khi đó, chỉ cần anh Diệm cho giấy đăng ký kết hôn, khỏi phải cưới hỏi gì cả.
    Về Quảng Trạch, sau khi làm việc với Huyện đội, ngày 16-12-1947, tôi tới thăm, thưa chuyện với bác Nghè Cơ và gặp Lan bàn chuyện gia đình. Bác Nghè Cơ đồng ý cách giải quyết mà tôi đã bàn với anh Diệm. Được bác Nghè Cơ chấp thuận, tôi trao đổi cùng Lan, rồi thưa với bác Nghè: “Thưa bố, con đã xin phép bố mẹ bên nhà con rồi, nay bố có lòng thương để chúng con đến với nhau, thì mời bố cùng lên tỉnh dự lễ đăng ký kết hôn của chúng con, để chúng con có được sự chứng giám của đấng sinh thành và thủ tục cưới hỏi chỉ có vậy là trọn vẹn”.
    Bác Nghè xúc động nói: “Anh nghĩ như vậy là phải. Nhưng lúc này, bố không thể đi cùng các con được... Nay anh đưa em nó lên tỉnh, bố hoàn toàn “ủy thác” em nó cho anh. Chúc hai con đã thương yêu nhau, nhớ phải giữ đúng đạo vợ chồng trăm năm. Chỉ thương mẹ các con không còn để hôm nay thấy hai đứa nên vợ nên chồng...”.
    Chia tay, cảm ơn bác Nghè Cơ, tôi qua Bệnh xá huyện - nơi Lan đang công tác, xin phép cho Lan cùng với tôi lên tỉnh. Anh chị em ở Bệnh xá chúc mừng hạnh phúc của hai chúng tôi và khẩn trương lo mọi thủ tục để tôi “đón nàng về dinh”. Quả là một lễ rước dâu đặc biệt, có một không hai; chỉ mỗi chú rể đi đón cô dâu, nhưng lại rất trang nghiêm, bởi có đồng chí bảo vệ của tôi khoác súng đi hộ tống.
    Thấy tôi “áp giải” Lan về và sau khi tôi báo cáo việc chung, việc riêng, bác Quản Ân - Tỉnh đội trưởng lệnh cho bộ phận hành chính bố trí chỗ ở, cũng là “buồng hạnh phúc” cho chúng tôi và quyết định giết một gà, mua thêm mấy con cá, nâng cấp bữa cơm “đại táo” thành cỗ cưới.
    Sau đó, tôi và Lan sang trình diện Chủ tịch tỉnh. Anh Diệm vui lắm, chúc mừng chúng tôi mỗi đứa một bát nước chè xanh, mà anh nói đùa là thay rượu mừng cưới; rồi anh thận trọng lấy từ chiếc cặp của anh tờ giấy đăng ký kết hôn, trân trọng trao cho chúng tôi. Anh ôm hôn từng đứa và bắt hai chúng tôi hôn nhau, rồi xúc động nói: “Chúng tôi cũng như anh chị, trông chờ mãi, nay ngày vui đã đến; đến trong giản đơn mà ấm cúng, trang trọng. Đến trong khói lửa chiến tranh mà tràn đầy sắc xuân, đến trong quá trình mà lại rất chóng vánh...”.
    Vợ chồng tôi vô cùng hạnh phúc và xúc động bởi chứng giám Lễ thành hôn “độc nhất vô nhị” của chúng tôi chỉ có một người vừa đại diện cho pháp luật, vừa là người anh, người chủ hôn.
    Hôm đó là ngày 26-12-1947.
    Tròn 70 năm kể từ ngày tôi và Ngọc Lan nên vợ nên chồng. Giờ đây, tôi đã qua tuổi 95, còn vợ tôi đã là người thiên cổ; vợ chồng âm dương cách biệt nghìn trùng, nhưng hình ảnh, dư hương của Lễ thành hôn giữa khói lửa chiến tranh, trong ngày cuối đông mà ấm áp tình xuân năm ấy vẫn không lơi lạt nhạt nhòa trong tôi.
    Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch HĐBT kể
    Duy Tường ghi