Tại cuộc họp báo chiều 27/12 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết chủ trương NHNN là để tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu bằng dự phòng, cơ cấu lại nợ và xử lý tài sản đảm bảo.
Nhờ các giải pháp quyết liệt của NHNN, cùng với các biện pháp giải phóng hàng tồn kho, tốc độ tăng nợ xấu từ lúc tăng tới 8-9%/tháng nay đã tăng chậm lại, thậm chí có tháng giảm.
Các đề án tổng thể giải quyết nợ xấu và thành lập Công ty mua bán tài sản cũng là một công cụ đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, đang được Chính phủ xem xét.
Hiện NHNN đã xây dựng xong 2 bộ quy chế thay thế Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng và dự thảo quy chế mới về tỷ lệ an toàn để sau khi tái cơ cấu, ngân hàng hoạt động trên chuẩn mực an toàn hơn.
Trong năm 2013, NHNN coi xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của hệ thống ngân hàng. NHNN đặt mục tiêu bằng các biện pháp trực tiếp, có thể giải quyết được 4-5% nợ xấu (trong tổng số khoảng 8%) của hệ thống ngân hàng tương đương với khoảng 40 – 50 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, trong hệ thống có 9 ngân hàng phải xử lý ngay và NHNN đã thành lập tổ giám sát, ban chỉ đạo tái cấu trúc bám sát theo Đề án 254 về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. NHNN đã chọn các công ty kiểm toán độc lập của quốc tế đánh giá các ngân hàng này.
Đến nay, 9 ngân hàng yếu kém đang thực hiện tái cơ cấu tích cực theo các hình thức hợp nhất, sáp nhập, tự tái cơ cấu… Sau khi thực hiện, sáp nhập, hợp nhất và tự tái cơ cấu, khả năng chi trả của các ngân hàng, đến nay đã được đảm bảo, do đó không có hiện tượng rút tiền lớn.
NHNN đánh giá điều này có đóng góp không nhỏ của hoạt động thông tin tuyên truyền, mang lại tâm lý hoàn toàn yên tâm cho người gửi tiền.
A Hoàng