Mỗi dịp lễ, Tết, cựu TNXP Nguyễn Cao Vãng cùng gia đình đến nghĩa trang thắp hương, tưởng nhớ liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Hoàng Lộc.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi là thành quả tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó có sự đóng góp to lớn của lực lượng cựu Thanh niên xung phong (TNXP). Chàng thanh niên Hà Nội - Nguyễn Cao Vãng - cựu TNXP C343, N37, Đường 10, Đông Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Cựu TNXP Việt Nam, khi ấy cũng hừng hực khí thế, nhiệt huyết của tuổi trẻ hòa cùng phong trào “Ba sẵn sàng”.

Nhớ lại không khí hào hùng, sục sôi ngày đó, ông Vãng kể: “Tháng 5-1965, tôi ở trong đội hình hơn 2.000 thanh niên Hà Nội xung phong vào “tuyến lửa” Khu 4 (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình) và được biên chế về Đội TNXP 41, mở đường và bảo đảm giao thông ở các tuyến đường chiến lược như: đường 15A, 15B, đường 22A, 22B... thuộc hệ thống đường Trường Sơn.

Ở các địa bàn trọng điểm này, không quân địch ngày đêm đánh phá ác liệt, bầu trời bị xé nát bởi sự điên cuồng gầm rú của máy bay; mìn nổ inh tai, nhức óc. Sườn núi cheo leo đến nỗi cứ lơ mơ là dễ rơi xuống vực. Chỉ mấy tháng mà anh em đã gầy xọp đi, phờ phạc thấy rõ. Dù mệt, dù đói, dù khốc liệt nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau tiếp tục bám đường, bảo đảm giao thông. Chúng tôi xác định: Một phút tắc đường là có thể hàng nghìn người ở phía trong bị đói. Tất cả vì miền Nam ruột thịt nên cứ hướng mục tiêu đó mà phấn đấu”.

Cũng với tinh thần đó mà các đơn vị TNXP đã mở hàng trăm cây số đường, san lấp hàng nghìn hố bom, bắc hàng trăm cầu dã chiến, rà phá hàng trăm quả bom nổ chậm bảo đảm giao thông ngày đêm thông suốt, cho hàng vạn chuyến xe vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng… vào chiến trường miền Nam.

Giữa năm 1967, ông Nguyễn Cao Vãng được lựa chọn cùng 200 TNXP Hà Nội thành lập Đại đội Xung kích Thăng Long với phiên hiệu C343-N37, tham gia mở Đường 20 tháng 7 (đoạn gần ranh giới Quảng Bình - Quảng Trị), còn gọi là Đường 10 Đông Trường Sơn. Khi phát hiện ra ta đã mở tuyến đường quan trọng này, địch ngày đêm đánh phá ác liệt. Chúng dùng nhiều trực thăng, trinh sát theo dõi; sử dụng máy bay F4, F5, B52 thả nhiều loại bom: Bom phát quang, bom Napan, bom phá, bom nổ chậm, bom từ trường… để quyết ngăn chặn ta mở tuyến đường huyết mạch. Trên dọc tuyến đường, cây rừng cháy xác xơ, hố bom dày đặc, các loại bom nhiều vô kể. Trước tình thế địch đánh phá ngày đêm, bom đạn nhiều, đường tắc, xe chở hàng chi viện cho chiến trường miền Nam ùn đọng hàng cây số, đơn vị của ông Vãng đã thành lập “Đội cảm tử” với nhiệm vụ là phá gỡ bom, thông đường.

Ông Vãng là 1 trong 7 người của “Đội cảm tử” làm nhiệm vụ ròng rã hàng năm trời, phá gỡ các loại bom nổ chậm; vào nơi trọng điểm cứu xe bị địch đánh phá... “Đội cảm tử” đều là những người dũng cảm, gan dạ. Mỗi khi bước chân đi rà phá bom đều là những lần đi giữa lằn ranh của sống - chết. Nhưng điều đó không làm họ chùn bước. Đã nhiều lần, “Đội cảm tử” được đơn vị tổ chức “truy điệu sống” trước khi làm nhiệm vụ.

Trong hơn 2 năm, “Đội cảm tử” đã phá, thu gom được hàng trăm quả bom các loại, giải tỏa được hàng nghìn chuyến xe chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần cùng toàn quân, toàn dân ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Chiều 8-10-1968, là buổi chiều không bao giờ quên với ông Vãng. Đó là chiều ông đi phá bom cùng Đội trưởng “Đội cảm tử” - Hoàng Lộc. Giọng ông trầm xuống khi kể với tôi về buổi chiều định mệnh đó: “Đầu giờ chiều, nhận được tin xe chở hàng vào chiến trường ùn tắc kéo dài do bom nổ chậm rất nhiều. Trên yêu cầu “Đội cảm tử” đi làm nhiệm vụ ngay. Lúc này, anh em trong đội ốm gần hết, anh Hoàng Lộc gọi: “Vãng ơi! Ra tuyến phá bom thôi”. Rồi anh Lộc, tôi và một người đơn vị khác được tăng cường đi phá bom. Trên đường có rất nhiều bom nổ chậm, bom từ trường, bom bi lá, bom vướng nổ… Chúng tôi giữ cự ly mỗi người cách nhau khoảng 10m để gỡ bom vướng nổ trước, sau đó phá bom nổ chậm. Khi đang gỡ bom vướng nổ, tiếng nổ inh tai ngay gần mình, đất, đá, lá cây… bắn tứ tung, vuốt mặt nhìn sang thấy anh Lộc kêu lên: “Vãng ơi, tôi bị vào mắt rồi”. Nhìn người anh đen nhẻm, máu chảy đầm đìa… Tôi vội ôm lấy Lộc. Trước khi hy sinh, anh cố ngước mắt nhìn tôi, thều thào “Vãng à! Cho tôi hôn cờ Đảng! Đừng bỏ đồng bào miền Nam!...”.

Cho đến bây giờ, vào những dịp kỷ niệm, lễ, Tết, ngày giỗ hằng năm, ông Vãng đều đến Nghĩa trang liệt sĩ Hà Nội thắp hương, tưởng nhớ Anh hùng LLVTND Hoàng Lộc và đồng đội. Được dự gặp mặt đại biểu CCB, cựu TNXP tham gia kháng chiến chống Mỹ lần này, ông bảo mình là người đại diện để nhận niềm vinh dự, tự hào của cả liệt sĩ Hoàng Lộc và những đồng đội đã anh dũng hy sinh.

Vũ Minh