Anh Đèo Văn Muôn làm sạch thân cây cao su để cạo mủ.
Với sự nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, anh Đèo Văn Muôn (SN 1987, hội viên cựu chiến binh (CCB) xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) trở thành tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi của xã, huyện. Mô hình trồng cây cao su, kết hợp chăn nuôi của gia đình anh cho thu nhập mỗi năm trên 150 triệu đồng.
Được sự giới thiệu của cán bộ Hội CCB huyện, chúng tôi tìm đến vườn cao su của gia đình CCB Đèo Văn Muôn ở bản Phai Cát. Vừa nhìn thấy chúng tôi, anh vui mừng cho biết: Vợ chồng tôi vừa bán gần 1 tấn mủ cao su cho nông trường, thu được hơn 10 triệu đồng.
Vườn cao su của gia đình anh Muôn rộng gần 5ha, trồng từ năm 2007. Trong đó, 200 cây cao su được Nhà nước hỗ trợ, còn lại anh bỏ vốn mua thêm hơn 300 cây. Nhìn những hàng cây cao su vươn mình thẳng tắp, trải dài từ đồi bên này sang bên kia, chúng tôi cảm nhận phần nào sự nỗ lực của gia đình anh trong suốt thời gian qua.
Anh Muôn chia sẻ: Hồi xưa, khi Nhà nước có chủ trương, tận dụng diện tích đất đồi, nương sẵn có, gia đình tôi xin xã khai hoang thêm diện tích để trồng cây cao su. Vẫn biết là mất thời gian dài 6-7 năm mới có thành quả, nhưng tôi và một số hộ trong xã, bản quyết thử sức với cây trồng mới. Trồng cây cao su này vất vả nhất là lúc mới trồng; thường xuyên chăm bón và phải đuổi muỗi đi không cho chúng ăn mắt ghép của cây. Cũng may trước đó, tôi tham dự lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cao su; học hỏi kinh nghiệm từ Nông trường cao su Phong Thổ, khi áp dụng vào thực tế cây khỏe mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt. Vì thế, tôi cũng yên tâm đi nghĩa vụ quân sự gần 2 năm (2008-2009), giao công việc chăm sóc vườn cao su ở nhà cho vợ.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, anh Muôn cùng vợ chăm sóc vườn cây cao su. Rồi đi tìm hiểu cách cạo mủ cao su ở các nơi sao cho đạt năng suất và hiệu quả thu lâu dài. Cùng với đó, từ số tiền tích cóp trong quân ngũ, anh Muôn mua sắm thêm bát đựng mủ, dao cạo và một số dụng cụ để đựng mủ cao su. Năm 2014, gia đình anh thu lứa mủ cao su đầu tiên.
Anh Muôn hồ hởi, nhớ lại: Nhìn dòng mủ cao su trắng ngần, vợ chồng tôi vui mừng lắm; bao nhiêu vất vả, cố gắng, chờ đợi cũng đã được thu “trái ngọt”. Mỗi năm, cao su cho mủ từ tháng 2 đến tháng 11 (âm lịch), bình quân một tháng gia đình tôi thu được 1,2 tấn mủ. Tầm tháng 5-6 là thời điểm cây cho mủ cao nhất, được 1,5 tấn/tháng. Đất càng ẩm, vào mùa mưa thì cây càng cho mủ nhiều. Vợ chồng tôi cứ cạo 2 ngày mủ thì nghỉ một ngày; một tháng làm khoảng 15 ngày.
Theo lời chia sẻ của anh Muôn, những năm trước, giá mủ cao su thấp, 11 nghìn đồng/kg; năm nay, giá cao hơn 17 nghìn đồng/kg. Vì thế, các hộ trồng cao su phấn khởi hơn vì thu nhập tăng hơn trước, ổn định cuộc sống gia đình. Kết hợp vườn rộng, anh Muôn chủ động làm chuồng trại nuôi gà vừa đảm bảo nhu cầu thực phẩm tươi sống hàng ngày cho gia đình, vừa bán kiếm thêm thu nhập. Phân của gia cầm anh dùng để bón cho ngô, lúa. Bình quân, mỗi năm gia đình anh bán được hơn 1 tạ gà, thu về trên 10 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn cải tạo, mở rộng diện tích ao nuôi cá. Hiện, gia đình anh có ao cá rộng hơn 500m2.
Từ hộ nghèo khó, với bản lĩnh của người lính bộ đội Cụ Hồ, anh Muôn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm với các hội viên CCB trong hội, Nhân dân trong bản. Từ đó, mọi người ngày càng yêu quý anh hơn.
Đồng chí Pờ Văn Dịm - Chủ tịch Hội CCB xã Khổng Lào cho biết: CCB Đèo Văn Muôn là tấm gương điển hình của hội, đảng viên gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, từ vượt khó vươn lên làm giàu với mô hình trồng cây cao su đến các hoạt động thăm hỏi, giúp đỡ hội viên CCB khó khăn. Tích cực tham gia xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, gìn giữ bản văn hóa; vun đắp gia đình hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan.
Ngân Khánh