CCB Nguyễn Vũ Mão trong vườn tiêu của gia đình.

Đến xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, tôi được CCB Trần Phước Tư - Chủ tịch Hội CCB xã giới thiệu: “CCB, thương binh hạng 3/4 Nguyễn Vũ Mão - Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp 9 là một tấm gương điển hình vượt khó. Vừa làm kinh tế giỏi, ông Mão còn là năng nổ nhiệt tình công tác Hội, giúp đồng đội vượt khó và tích cực đóng góp xây dựng địa phương”.

CCB Nguyễn Vũ Mão sinh năm 1963, quê ở tỉnh Ninh Bình. Năm 1982, ông nhập ngũ và vào Trường hạ sĩ quan Thông tin. Đầu năm 1983, ông làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, cho đến năm 1987 thì bị thương. Cũng năm đó, ông được phục viên và hưởng chế độ thương binh. Đến năm 1993, ông cùng gia đình vào tỉnh Bình Phước lập nghiệp.                                                                                

Thời gian đầu, gia đình ông Mão khai khẩn được 1ha đất trồng tiêu. Vào thời điểm đó, tiêu có giá cao, ông Mão mua thêm 1,3ha để trồng tiêu. Theo ông, giống tiêu Vĩnh Linh rất thích hợp với đất ở đây. Vừa khỏe, chịu hạn tốt, hạt cay và thơm, giá bán cũng cao hơn. Xen trong vườn tiêu, ông Mão trồng gỗ hương, gỗ sưa, trước mắt để tiêu leo, sau tiêu già thì lấy cây hương, cây sưa làm gỗ. Ông cũng trồng xen một số cây sầu riêng. Ông Mão cho biết, vườn tiêu 1,3ha gần nhà được 20 năm tuổi nhưng lá, thân dây vẫn khỏe và xanh tươi. Những năm tiêu bán được giá cao, 2 vườn tiêu cho thu nhập trên 300 trăm triệu đồng mỗi năm. Không riêng thu lời từ tiêu, đàn dê gia đình nuôi cũng đã sinh sản phát triển trên 30 con. Thức ăn cho dê chủ yếu cành và đọt cây trồng cho tiêu bò tỉa bớt. Hằng năm lợi nhuận từ nuôi dê, gia đình cũng thu vào hàng chục triệu đồng.

Năm 2007, xã Lộc Điền tách ấp 8 ra, thêm ấp 9 vì địa bàn ấp 8 rộng và dân số quá đông. Năm 2012, tách Chi hội CCB ấp 8 và thành lập Chi hội CCB ấp 9. Lúc đó, Chi hội mới có 3 người, gồm ông Mão, cụ Đỗ Thị Nhâm (94 tuổi, CCB tham gia chống Pháp) và ông Lâm Linh (dân tộc Khmer). Năm 2014, ông Mão được bầu làm Chi hội trưởng. Năm đầu, chi hội chưa có quỹ, ông Mão và cụ Đỗ Thị Nhâm đóng góp vào 800.000 đồng làm quỹ. Ông đi vận động thêm được 4 hội viên, sau tăng thêm 2 hội viên năm 2017. Do địa bàn ấp rộng, không có nguồn lực, hội viên ít nên ông đề xuất chân quỹ tăng lên 1 triệu đồng/người/năm. Mỗi hội viên được 6 triệu đồng tiền quỹ. Có 2 hội viên trên 80 tuổi nên Chi hội không yêu cầu đóng góp. Nhưng cụ Đỗ Thị Nhâm tình nguyện tham gia đóng góp quỹ chi hội từ trước đến nay. Số tiền quỹ được 42 triệu đồng đã giải quyết cho 3 hội viên vay làm kinh tế với lãi suất thấp chỉ mang tính tượng trưng để có tiền thăm nom ốm đau.

Từ quỹ “Nghĩa tình đồng đội” đã phần nào giúp đỡ gia đình hội viên xóa nghèo, xóa nhà tạm. Các CCB gia đình trước đây khó khăn nhờ vay vốn của đồng đội để chăn nuôi, làm vườn kinh tế khá lên nhiều. Như CCB Võ Văn Tường, vay 12 triệu đồng chăn nuôi dê nay phát triển lên 30 con. CCB Lâm Linh dùng tiền quỹ vay của Chi hội mua dê giống nuôi, nay được 10 con, kinh tế gia đình cũng khá hơn trước. Vừa qua, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ xây dựng cho gia đình ông căn nhà trị giá hơn 100 triệu đồng.

CCB, thương binh Nguyễn Vũ Mão còn gương mẫu trong xây dựng Nông thôn mới; gia đình ông đã hiến gần 400m mặt đường, sâu vào vườn tiêu 3m để mở rộng thêm con đường nhựa đi xã Lộc Quang. “Gia đình giảm đất canh tác, mình vẫn chấp nhận vì có đường nhựa rộng, việc đi lại thuận lợi hơn nhiều. Trước hết, địa phương phát triển kinh tế, trong đó có mình, các con đi học xa không còn cảnh chạy xe đạp đường đất mưa trơn thường bị trượt ngã” - ông Mão chia sẻ.

Với những thành tích trên, CCB Nguyễn Vũ Mão vinh dự được UBND xã và Hội CCB huyện Lộc Ninh tặng Giấy khen. Chi hội CCB ấp 9 cũng được Hội CCB huyện tặng Giấy khen.          

Bài và ảnh: Duy Hiến